VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Đầu tư vào Trung Quốc trở nên rủi ro đối với doanh nghiệp nước ngoài

Đầu tư vào Trung Quốc trở nên rủi ro đối với doanh nghiệp nước ngoài

11:24 - 14/07/2023

FDI vào Trung Quốc trong quý I năm nay giảm xuống 20 tỷ USD từ 100 tỷ USD cùng kỳ năm trước, gây thêm khó khăn cho một nền kinh tế đang chậm lại.

Cần huy động vốn khi nền kinh tế khó khăn, các thành phố ở Trung Quốc đang thu hút doanh nghiệp phương Tây bằng những ưu đãi mạnh tay. Bắc Kinh gọi năm 2023 là “Năm đầu tư vào Trung Quốc” và giới chức địa phương đi công du nước ngoài để thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư.

Nỗ lực đó đang đối đầu trực tiếp với chính sách an ninh quốc gia của Chủ tịch Tập Cận Bình, với trọng tâm là chống lại những điều bị cho là mối đe dọa từ nước ngoài. Điều đó làm cho các khoản đầu tư vào Trung Quốc trở nên rủi ro đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Năm nay, một chiến dịch do ông Tập lãnh đạo đã tấn công vào những công ty tư vấn quản lý, kiểm toán và doanh nghiệp khác của phương Tây với một làn sóng khám xét, điều tra và giam giữ. Trong khi đó, luật chống gián điệp mở rộng làm tăng thêm lo lắng của các giám đốc người nước ngoài rằng họ có thể bị quy tội gián điệp khi thực hiện những hoạt động kinh doanh thông thường ở Trung Quốc, chẳng hạn như nghiên cứu thị trường.

Một chiến dịch an ninh quốc gia do Tập Cận Bình đứng đầu tấn công vào các công ty tư vấn quản lý, kiểm toán và doanh nghiệp khác của phương Tây.

Một chiến dịch an ninh quốc gia do Tập Cận Bình đứng đầu tấn công vào các công ty tư vấn quản lý, kiểm toán và doanh nghiệp khác của phương Tây.

Nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài rằng hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc trở nên rủi ro hơn nhiều đang bóp nghẹt dòng vốn vào một nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với đầu tư và tiêu dùng tư nhân yếu kém, cũng như tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng cao.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc giảm xuống còn 20 tỷ USD trong quý I năm nay, so với 100 tỷ USD trong quý I năm ngoái, theo một phân tích dựa trên số liệu của chính phủ bởi nhà phân tích Mark Witzke tại công ty nghiên cứu Rhodium Group.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc trong năm nay sẽ tương đương với đầu tư vào nước này. Đây là sự thay đổi đáng kinh ngạc đối với một quốc gia mà trong 4 thập kỷ qua liên tục nhận được nhiều tiền vào hơn tiền ra.

Tăng trưởng của Trung Quốc – trong những thập kỷ gần đây được thúc đẩy bởi sự mở cửa của nước này với phương Tây – phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và chuyên môn để thúc đẩy đổi mới và tăng năng suất.

Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, ngày càng khó cân bằng giữa việc gây áp lực lên doanh nghiệp nước ngoài và thu hút họ đầu tư thêm. Điều này đe dọa tước đi nguồn vốn, công nghệ, ý tưởng và kỹ năng quản lý giúp tạo nên sức mạnh cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Văn phòng bị đóng cửa của Mintz Group – một công ty Mỹ chuyên điều tra doanh nghiệp. Vào tháng 3, chính quyền Trung Quốc khám xét văn phòng này và bắt giữ 5 nhân viên.

Văn phòng bị đóng cửa của Mintz Group – một công ty Mỹ chuyên điều tra doanh nghiệp. Vào tháng 3, chính quyền Trung Quốc khám xét văn phòng này và bắt giữ 5 nhân viên.

Các thành phố gặp khó khăn

Cuộc giằng co đang khiến các thành phố và thị trấn khó khăn về tài chính trên khắp Trung Quốc rơi vào cảnh bấp bênh. Nợ nần chồng chất và chật vật tạo việc làm sau 3 năm phong tỏa Covid-19, nhiều nơi đang rất cần vốn.

Theo thống kê chính phủ, các chính quyền địa phương chi ngân sách nhiều hơn trong năm ngoái so với năm trước, chủ yếu do chi phí y tế tăng 18% vì chi trả cho xét nghiệm Covid và chi phí liên quan. Trong khi đó, thu ngân sách, chủ yếu từ bán đất cho doanh nghiệp phát triển bất động sản, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguồn vốn mà các chính quyền địa phương từ lâu đã phụ thuộc vào. Các địa phương vay nhiều hơn khả năng chi trả của họ: tổng nợ trực tiếp của chính quyền địa phương bằng 120% thu ngân sách.

Nhiều quan chức cho biết các chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài truyền thống của họ đã thất bại.

Một quan chức thương mại ở Thành Đô – thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam – gần đây đi châu Âu để xúc tiền đầu tư. Ông trở về tay không. “Trong 20 năm cố gắng thu hút đầu tư từ châu Âu, đây là lần đầu tiên chúng tôi không ký được dù chỉ một biên bản ghi nhớ”, quan chức này nói.

Đầu năm nay, một huyện thuộc tỉnh Quảng Đông ở phía nam đặt mục tiêu thu hút đầu tư gần 300 tỷ USD trong 5 năm tới. Một quan chức cấp cao ở huyện này gần đây nói với một hiệp hội thương mại Mỹ đến thăm rằng nếu đạt được thỏa thuận đầu tư với một công ty Mỹ, huyện sẽ thưởng cho “người ra quyết định” đầu tư 10% giá trị thỏa thuận. Hiệp hội từ chối lời đề nghị của quan chức huyện, bị coi là hối lộ bất hợp pháp ở Mỹ.

Khu tài chính Lục Gia Chủy ở Thượng Hải.

Khu tài chính Lục Gia Chủy ở Thượng Hải.

Dừng mở rộng

Những cuộc khảo sát gần đây bởi các hiệp hội doanh nghiệp ở Trung Quốc cho thấy doanh nghiệp Mỹ, Đức và châu Âu đang tạm dừng mở rộng hoặc giảm đầu tư vào Trung Quốc. Crane – nhà sản xuất máy bán hàng tự động và các sản phẩm công nghiệp khác của Mỹ đã sản xuất tại Trung Quốc từ những năm 1990 – giảm mạnh đầu tư vào nước này một phần do sự không chắc chắn về chính sách gia tăng.

Sean Stein – Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải và cựu Tổng lãnh sự Mỹ tại thành phố – cho biết áp lực gần đây đối với các công ty tư vấn Mỹ có nguy cơ “cắt tai mắt của các doanh nghiệp nước ngoài”.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phản đối cách Trung Quốc đối xử với doanh nghiệp Mỹ khi bà gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc ở Bắc Kinh. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cũng dự kiến sẽ nêu vấn đề này trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của bà.

Tại thành phố cảng Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang, giới chức địa phương tổ chức một diễn đàn “Đầu tư vào Chiết Giang”. Ở đây, họ giới thiệu danh sách các sáng kiến mà họ có thể cung cấp cho nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm xây dựng những con đường và đường ống tốt hơn, đưa ra các ưu đãi về thuế và trợ cấp mua thiết bị cao cấp.

“Thông điệp là chúng tôi thực sự cởi mở với doanh nghiệp”, theo Cameron Johnson, một đối tác của doanh nghiệp tư vấn Mỹ TidalWave Solutions đã tham gia diễn đàn vào tháng 5.

Đồng thời, sự không chắc chắn về chính sách của chính quyền trung ương gây bất an cho doanh nghiệp nước ngoài. “Trọng tâm thực sự của chính phủ là gì?” ông Johnson – một người Mỹ đã sống hơn 20 năm ở Trung Quốc – nói. “Liệu có thể có hướng dẫn hoặc quy định rõ ràng hơn về chính sách để doanh nghiệp nước ngoài xây dựng lộ trình tuân thủ?”

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) phản đối cách Trung Quốc đối xử với doanh nghiệp Mỹ trong một chuyến thăm Trung Quốc vào tuần trước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) phản đối cách Trung Quốc đối xử với doanh nghiệp Mỹ trong một chuyến thăm Trung Quốc vào tuần trước.

Thông điệp không rõ ràng

Pixelworks – một công ty Mỹ chuyên thiết kế và sản xuất chip được dùng trong các thiết bị hiển thị điện tử – được giới chức địa phương ở Thượng Hải, nơi họ đặt trụ sở công ty con Trung Quốc, chào đón nhiệt tình. Chính quyền đặc biệt ủng hộ nỗ lực của Pixelworks để công ty con tại Trung Quốc được niêm yết trên sàn chứng khoán STAR của thành phố.

“Chúng tôi đang tập trung toàn lực vào Trung Quốc”, CEO Todd DeBonis cho biết. Ông bổ sung rằng hầu hết các tài năng nghiên cứu và phát triển của Pixelworks đều ở Trung Quốc và đó là nơi công ty kiếm được phần lớn doanh thu.

Bất chấp sự hỗ trợ của địa phương, Pixelworks phải đối mặt với áp lực từ chính quyền trung ương để đảm bảo sự độc lập giữa công ty con ở Trung Quốc và hoạt động của công ty ở Mỹ. Theo các chuyên gia tư vấn kinh doanh và luật sư tư vấn cho doanh nghiệp đa quốc gia, yêu cầu này ngày càng được đưa ra nhiều hơn đối với doanh nghiệp nước ngoài như một phần của chính sách an ninh quốc gia của Bắc Kinh.

Đối với Pixelworks, điều đó có nghĩa là về cơ bản, công ty phải tách biệt hoàn toàn công ty con ở Trung Quốc với công ty mẹ ở Mỹ, nếu muốn có được giấy phép để IPO ở sàn STAR.

Trong 2 năm rưỡi qua, Pixelworks trải qua một quá trình khó khăn nhằm làm cho công ty con ở Trung Quốc độc lập với công ty mẹ ở Mỹ. Là một phần trong nỗ lực đó, Pixelworks đã chuyển một số quyền sở hữu trí tuệ dành riêng cho hoạt động tại Trung Quốc từ công ty mẹ ở Mỹ sang thực thể ở Trung Quốc. Động thái này nhằm đảm bảo an toàn cho các bằng sáng chế và nhãn hiệu trước khả năng lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến chúng không được sử dụng ở thị trường Trung Quốc.

Phòng lab ở Thượng Hải của Pixelworks – một trong những công ty bị mắc kẹt giữa những chính sách đối nghịch của chính quyền địa phương và trung ương.

Phòng lab ở Thượng Hải của Pixelworks – một trong những công ty bị mắc kẹt giữa những chính sách đối nghịch của chính quyền địa phương và trung ương.

Để tuân thủ lo ngại về an ninh của chính quyền trung ương, Pixelworks gần đây chuyển 15 nhân viên làm việc trong các dự án cho công ty mẹ ở Mỹ đến một tầng riêng trong tòa tháp văn phòng của mình ở Thượng Hải. Những nhân viên đó – đều là công dân Trung Quốc – có mạng lưới văn phòng riêng hoàn toàn tách biệt với hoạt động của Pixelworks Trung Quốc và chỉ giới hạn công việc của họ trong các dự án ở Mỹ.

Hồi cuối tháng 6, một số quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc đến thăm văn phòng của Pixelworks để “hiểu rõ hơn” về hoạt động kinh doanh của công ty và tiến độ của công ty trong việc tách hoạt động tại Trung Quốc, theo ông DeBonis.

Ông cho biết Pixelworks Trung Quốc đặt mục tiêu nộp đơn đăng ký IPO cho cơ quan quản lý Trung Quốc vào cuối năm nay. Để được chấp thuận, công ty cần thuyết phục Bắc Kinh rằng họ đã bảo vệ thành công tài sản trí tuệ của mình trước bất kỳ khả năng trừng phạt nào của chính quyền Mỹ. “Họ sẽ không chấp thuận đơn đăng ký của bạn trừ khi bạn giảm thiểu rủi ro cho các cổ đông Trung Quốc”, ông DeBonis nói.