VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp lo thiếu lao động sau Tết

Doanh nghiệp lo thiếu lao động sau Tết

10:16 - 24/01/2022

Trong bối cảnh dịch Covid-19 và thị trường lao động đang có nhiều biến động, đa số các doanh nghiệp đều đang phải loay hoay giữ chân người lao động trở lại làm việc sau Tết.

Đã thành lệ nhiều năm, cứ sau mỗi dịp nghỉ Tết truyền thống, doanh nghiệp lại ngược xuôi lo chuyện thiếu hụt nguồn cung lao động. Tuy nhiên năm nay, nỗi lo này của doanh nghiệp lại càng lớn hơn khi số lượng lao động vốn đã giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nay lại càng thiếu hụt trầm trọng hơn khi nhiều người lao động xác định về quê và không quay trở lại thành phố làm việc.

Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách vừa chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng, chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhưng thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng chung là việc nhiều nhưng thiếu người. Nhiều doanh nghiệp phải bố trí nhân sự tuyển dụng hằng ngày tại cổng công ty hoặc kết nối lao động với nhiều hình thức nhưng khó đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Nhiều doanh nghiệp đang loay hoay giữ chân người lao động sau Tết Nguyên đán

Các doanh nghiệp đang lo ngại với tình hình này, không chỉ thời điểm hiện tại mà sau Tết Nguyên đán, tình hình lao động sẽ càng khan hiếm do người lao động lựa chọn lập nghiệp tại địa phương hoặc tìm đến các doanh nghiệp gần địa bàn để làm việc. Do đó, việc “giữ chân” người lao động để họ ở lại dịp Tết hoặc quay trở lại sau Tết đang là vấn đề cấp thiết với nhiều doanh nghiệp. Để “giữ chân” người lao động, theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, cam kết đảm bảo việc làm, thu nhập và chế độ đãi ngộ tôt là cách níu công nhân ở lại hiệu quả nhất.

Theo ông Việt Anh, những doanh nghiệp hiện nay đã quay trở lại sản xuất và có đơn hàng đạt khoảng 70% trở lên đều sẽ cố gắng thưởng Tết để ra Tết có người làm. Nhiều doanh nghiệp chưa bao giờ nghĩ đi vay để thưởng Tết vì thưởng là từ lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp, lấy lời để thưởng. Nhưng năm nay nếu doanh nghiệp xác định ra Tết tiếp tục sản xuất thì phải chấp nhận đi vay để thưởng Tết chứ không thể tính toán được.

Cũng theo khảo sát mới nhất về tình hình lao động việc làm của chuyên trang Việc làm tốt (vieclamtot.com.vn) thì có đến 22% người lao động sẽ nghỉ việc sau Tết nếu các chế độ thưởng Tết bị cắt giảm. Trong số những người được khảo sát thì nhóm có thâm niên thấp sẽ nghỉ nhiều nhất.

Con số này sẽ giảm một nửa trong trường hợp doanh nghiệp có trả thưởng dù không như kỳ vọng. Khoảng 37% người lao động nói rằng sẽ tiếp tục gắn bó nếu công ty xem xét tăng lương vào năm 2022. Khảo sát của đơn vị này cũng cho biết, nhóm lao động phổ thông, công nhân làm việc trong các nhà máy đặt nhiều kỳ vọng vào lương tháng 13. Để giữ chân nhân sự, doanh nghiệp cần dành một khoản thưởng nhất định cho người lao động. Đặc biệt nếu có kế hoạch tăng lương, doanh nghiệp cần thông báo sớm để tạo động lực cho họ quay lại sau kỳ nghỉ dài.

“Người lao động mong muốn sau Tết dịch bệnh được kiểm soát tốt ở nhà máy, tình hình kinh doanh của công ty phải tốt hơn, tăng lương, thêm một khoản thưởng bù đắp, có những khoản hỗ trợ khác ngoài lương như chỗ ở, bữa ăn ca chất lượng. Do đó, các công ty cần cân đối và sớm đưa ra gói phúc lợi để làm bền chặt hơn sự liên kết giữa lao động và nhà máy”, bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang Việc làm tốt cho biết.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho hay, bối cảnh dịch bệnh sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường lao động sau Tết. Hiện nay, quy định phòng chống dịch ở mỗi địa phương mỗi khác, công nhân về quê ăn Tết xong có thể có người sẽ quay trở lại làm việc được đúng lịch, cũng sẽ có người không quay lại được đúng lịch. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn cần phải giải quyết nữa đó là tâm lý e ngại dịch bệnh của người lao động. Nếu nơi làm việc mà không kiểm soát tốt dịch bệnh thì cũng sẽ có tác động đến quyết định trở lại làm việc của một số lao động.

Do vậy, giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp giữ chân và thu hút người lao động sau Tết là thực hiện tốt chế độ lương, thưởng, phúc lợi. Đồng thời có thêm các chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc như chi phí đi lại, xét nghiệm Covid-19…

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường lao động phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động qua các sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối lao động ở các tỉnh thành.

Hay tại TP HCM, để cung ứng đủ nguồn lực cho doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn kết nối, giới thiệu lực lượng lao động địa phương, lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở lại TP HCM làm việc với doanh nghiệp ngay sau Tết.