VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp Việt hưởng “trái ngọt” từ EVFTA

Doanh nghiệp Việt hưởng “trái ngọt” từ EVFTA

16:59 - 14/04/2021

Từ cuối năm 2020, gần 4,8 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu đi 27 nước EU được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Chỉ sau 9 tháng thực hiện, những “trái ngọt” đầu tiên của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ghi nhận. Từ cuối năm 2020 đến nay, có gần 4,8 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu đi 27 nước EU được các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 để hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Những con số biết nói

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính từ ngày 1/8/2020 (Ngày EVFTA có hiệu lực) đến đầu tháng 4/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127,296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đi 27 nước EU.

EVFTA mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử… Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.

Quý 1/2021, xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt mức tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,932 tỷ USD. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong suốt 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang EU liên tục sụt giảm mạnh, đỉnh điểm là tháng 6/2020. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ tháng 8/2020 khi EVFTA có hiệu lực. Những tháng sau đó, tốc độ tăng càng ngày càng mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng lên đáng kể sau khi EVFTA có hiệu lực. Mức tăng xuất khẩu trung bình sang EU là 10-15%. Không chỉ là tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng được cho là tích cực sau ít tháng EVFTA có hiệu lực. Sau 9 tháng, đầu tư từ EU vào Việt Nam đạt hơn 752 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD so với trước khi EVFTA có hiệu lực.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, sau 11 tháng, các nhà đầu tư EU (không tính Anh) đã đăng ký đầu tư sang Việt Nam trên 1,4 tỷ USD, một con số khá tích cực trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đón đầu cơ hội trong tương lai

Những trái ngọt ban đầu là tích cực, nhưng ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, thành công này chỉ là bước đầu, quan trọng là các cơ hội trong tương lai.
“Nhắc đến FTA, người ta hay nói đến chuyện bãi bỏ hàng rào thuế quan, nhưng đây chỉ là một phần. Quan trọng hơn là chuyện minh bạch chính sách, việc bãi bỏ các thủ tục quan liêu, hay đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường… Tất cả yếu tố này khi được cải thiện không chỉ giúp Việt Nam thu hút được đầu tư từ EU, mà còn từ các quốc gia khác”, ông Giorgio Aliberti nói và nhấn mạnh, nhiều nhà đầu tư đang nhìn Việt Nam như một trung tâm sản xuất của khu vực.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng lên đáng kể sau khi EVFTA có hiệu lực.

Theo ông Giorgio Aliberti, trong khu vực, EU cũng đã ký FTA với Singapore. Nhưng điểm khác biệt cơ bản, đó là Singapore không thể trở thành trung tâm sản xuất của khu vực. Và vì thế, lợi thế đang thuộc về Việt Nam.

“Việt Nam có thể định vị mình thành một trung tâm sản xuất. Thái Lan đang khó khăn, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung cũng chưa thể sớm cải thiện, vì thế, các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam như một địa điểm đầu tư hấp dẫn. EVFTA sẽ mang tới cho Việt Nam một lợi thế đặc biệt”, ông Giorgio Aliberti nói.

Tất nhiên, để tận dụng được cơ hội, “tối ưu hóa” các cơ hội thì một điều quan trọng là chính sách của Việt Nam phải đảm bảo tính minh bạch và dễ tiên lượng. Nếu Việt Nam đảm bảo được hệ thống pháp lý ổn định, minh bạch, dễ tiên lượng, thì còn có thể thúc đẩy đầu tư.

“Tôi đã nhìn thấy dòng đầu tư từ EU sang Việt Nam. Năm 2021 sẽ là năm chứng kiến thương mại song phương, chứng kiến dòng đầu tư từ EU sang Việt Nam tăng mạnh”, ông Torben Minko, thành viên Ban Lãnh đạo EuroCham tại Việt Nam nói và cho rằng, EVFTA là nền tảng, nhưng người thổi hồn cho hiệp định chính là các doanh nghiệp, với hàm ý rằng, các doanh nghiệp cần chủ động hơn để nắm bắt cơ hội do EVFTA mang lại.

1 bình luận
    Bình luận của bạn