VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Dự trữ xăng dầu của Việt Nam ở đâu so với thế giới?

Dự trữ xăng dầu của Việt Nam ở đâu so với thế giới?

18:16 - 04/04/2023

Bộ Công Thương đề xuất đầu tư 270.000 tỷ đồng để cải thiện năng lực dự trữ xăng dầu của Việt Nam.

Gần đây, Bộ Công Thương cho biết cần đầu tư khoảng 270.000 tỷ đồng để cải thiện năng lực dự trữ xăng dầu của Việt Nam đến năm 2030.

So với nhiều nước trên thế giới, mức dự trữ xăng dầu hiện nay của nước ta còn khá mỏng và phụ thuộc nhiều vào dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối.

Ở Việt Nam, hiện có 2 loại dự trữ xăng dầu: dự trữ lưu thông của doanh nghiệp đầu mối và dự trữ xăng dầu quốc gia.

Theo Nghị định 95/2021, các doanh nghiệp đầu mối, phân phối phải đảm bảo có dự trữ xăng dầu lưu thông đủ cho 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề. Doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí để duy trì lượng xăng dầu dự trữ này.

Mặc dù vậy, không phải lúc nào các doanh nghiệp đầu mối cũng đảm bảo được lượng hàng dự trữ lưu thông. Ví dụ, hồi đầu năm ngoái, khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất vì khó khăn tài chính, lượng dự trữ của doanh nghiệp không đạt đủ 20 ngày. Theo Bộ Công Thương, khi giá cả tăng, chi phí dự trữ tăng nên doanh nghiệp phải hạn chế tối đa hàng tồn kho để đảm bảo hiệu quả.

Ngoài dự trữ lưu thông, Việt Nam cũng có dự trữ xăng dầu quốc gia. Nguồn hàng này được lưu trữ ở 24 kho trên cả nước của các doanh nghiệp đầu mối lớn. Bình quân 5 năm qua, dự trữ xăng dầu quốc gia ở mức hơn 370.000 m3/năm. Con số đó bằng với 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu dùng, theo Bộ Công Thương.

Việt Nam hiện có 2 loại dự trữ xăng dầu: dự trữ lưu thông của doanh nghiệp đầu mối và dự trữ quốc gia.

Việt Nam hiện có 2 loại dự trữ xăng dầu: dự trữ lưu thông của doanh nghiệp đầu mối và dự trữ quốc gia.

Nhiều nước trên thế giới sở hữu kho dự trữ nhiên liệu quốc gia lớn hơn nhiều. Ví dụ, Mỹ có kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) lớn nhất thế giới với quy mô cao nhất là 727 triệu thùng vào năm 2009, gấp khoảng 36 lần mức tiêu thụ trung bình hàng ngày của người Mỹ. Trong năm 2022, lượng dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ giảm mạnh sau khi chính quyền Biden quyết định xả hàng trăm triệu thùng để kiềm chế giá xăng.

Tính đến ngày 24/3/2023, kho dầu chiến lược của Mỹ còn gần 372 triệu thùng, bằng khoảng 18 ngày tiêu thụ của người dân Mỹ. Mặc dù dự trữ nhiều dầu mỏ, Mỹ chỉ nhập khẩu ròng một lượng khá nhỏ vì nước này là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu mỏ và chế phẩm dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nước này cũng có kho dự trữ chiến lược đáng kể. Quy mô dự trữ không công khai như Mỹ, nhưng năm 2018, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết kho dự trữ của nước này vào khoảng 37,8 triệu tấn, tương đương 281 triệu thùng. Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, lượng dự trữ này đủ cho 40-50 ngày tiêu thụ của người Trung Quốc. Nước này có kế hoạch nâng dự trữ lên 100 ngày tiêu thụ.

Cùng với Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản cũng là một trong những nước dự trữ dầu nhiều nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2021, nước này dự trữ khoảng 484 triệu thùng dầu, tương đương 241 ngày tiêu thụ. Lượng dự trữ này bao gồm dự trữ quốc gia, dự trữ của doanh nghiệp và một chương trình hợp tác với Ả Rập Xê Út và UAE.

Ấn Độ có kho dự trữ dầu quốc gia tương đối nhỏ so với quy mô tiêu thụ, chỉ đủ cung cấp cho thị trường trong 9,5 ngày. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lọc dầu của nước này giữ lượng dự trữ dầu thô tương đương 64,5 ngày tiêu thụ, nên Ấn Độ có tổng mức dự trữ 74 ngày.

Ở Việt Nam, theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, tổng mức dự trữ xăng dầu – cả ở kho quốc gia và các doanh nghiệp – hiện bằng khoảng 65 ngày nhập khẩu ròng (khoảng 20-30 ngày tiêu thụ). Trong đó phần lớn là dự trữ của các doanh nghiệp, còn dự trữ quốc gia chỉ bằng 5-7 ngày tiêu thụ. Hạ tầng kho dự trữ quốc gia riêng cũng chưa có, phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối.

5 năm qua, Việt Nam chưa phải xuất kho dự trữ xăng dầu quốc gia cho các tình huống đột xuất. Nhưng để đảm bảo phản ứng với các biến cố bất ngờ, Bộ Công Thương muốn tăng mức dự trữ xăng dầu lên 75-80 ngày nhập ròng.