VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Giá nước trung bình ở Hà Nội có thể tăng 43% từ tháng 7

Giá nước trung bình ở Hà Nội có thể tăng 43% từ tháng 7

14:33 - 08/05/2023

Theo đề xuất của Sở Tài chính Hà Nội, các hộ dân thành phố có thể phải trả thêm 25-51% cho mỗi m3 nước sạch từ tháng 7 năm nay, sau đó là một đợt tăng giá nữa vào đầu năm sau.

Giá nước sinh hoạt ở Hà Nội có thể tăng mạnh từ tháng 7, theo lộ trình tăng giá do Sở Tài chính thành phố đề xuất.

Theo tờ trình mà Sở Tài chính gửi cho UBND TP, giá nước sạch trung bình sẽ tăng từ 8.300 đồng/m3 lên 11.900 đồng/m3 trong nửa cuối năm nay (tương đương 43%) và 13.323 đồng/m3 vào năm 2024 (tương đương 61%).

Ông Nguyễn Xuân Sáng – Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội – cho biết giá nước sạch phải tăng để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, khi các chi phí cấu thành như tiền lương, nhân công … đều tăng.

Lộ trình tăng giá nước ở Hà Nội được đưa ra sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện sinh hoạt 3% từ ngày 4/5. Việc tăng giá các mặt hàng cơ bản có thể khiến lạm phát nóng lên sau khi đã hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong một năm vào tháng 4.

Mức giá đối với 10 m3 nước sinh hoạt đầu tiên được đề xuất tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 7.500 đồng/m3 vào tháng 7 năm nay (tương đương 26%) và 8.500 đồng/m3 vào năm 2024 (tương đương 42%).

Tương tự, từ 10-20 m3, khách hàng mua nước sinh hoạt có thể phải trả 8.800 đồng/m3 từ tháng 7 tới (tăng 25% so với mức 7.052 đồng hiện tại), sau đó là 9.900 đồng/m3 từ năm 2024 (tăng 40%).

Mức tăng ở các bậc tiêu thụ tiếp theo còn cao hơn. Cụ thể, từ 20-30 m3, mức giá được đề xuất từ tháng 7/2023 và từ năm 2024 lần lượt là 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3 (cao hơn lần lượt 38% và 85% so với mức 8.669 đồng/m3 hiện hành).

Ở bậc cao nhất (trên 30 m3), mỗi m3 nước sinh hoạt sẽ tăng 51% từ tháng 7, từ 15.929 đồng/m3 lên 24.000 đồng/m3, sau đó tiếp tục tăng lên 27.000 đồng/m3 từ năm 2024.

Đối với các khách hàng kinh doanh dịch vụ, giá nước được đề xuất tăng 22%, từ 22.068 đồng/m3 lên 27.000 đồng/m3 vào tháng 7, sau đó là 29.000 đồng/m3 vào năm 2024. Giá nước sạch phục vụ sản xuất cũng có thể tăng 30% lên 15.000 đồng/m3 trong nửa cuối năm nay.

Mức tăng giá nước đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp và phục vụ công cộng nhẹ hơn: 20% kể từ tháng 7.

Trong tờ trình gửi lên UBND thành phố, Sở Tài chính Hà Nội đánh giá việc tăng giá nước sạch sẽ khiến CPI tăng khoảng 0,17% và không có tác động lớn đến các giá các hàng hóa, dịch vụ có liên quan. Theo Sở, tiền nước chỉ chiếm 0,72% tổng thu nhập và chi tiêu mỗi tháng của một hộ gia đình ở thành thị.

Giá nước sạch hiện hành ở thành phố Hà Nội đang áp dụng theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP. Nếu đề xuất của Sở Tài chính được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên giá nước ở thủ đô tăng trong 10 năm.

Theo tính toán của các sở ngành, nhu cầu nước ở khu vực nội thành Hà Nội là 100-150 lít/ngày/người, tương đương mức tiêu thụ của mỗi hộ gia đình khoảng 10-16 m3/tháng. Số tiền phải chi thêm từ tháng 7 theo biểu giá mới là 15.000-26.000 đồng/tháng. Ở nông thôn, nhu cầu nước là 50-70 lít/ngày/người, mỗi hộ gia đình dùng 6-8 m3/tháng nên số tiền phải trả thêm là 10.000-13.000 đồng/tháng.

Gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch cũng đề nghị UBND TP Hà Nội sớm tăng giá bán nước sạch.

Công ty CP Nước mặt sông Đuống mới đây có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về vướng mắc liên quan đến giá bán buôn nước sạch. Theo đó, giá nước sạch bán buôn được điều chỉnh lên 8.325 đồng/m3 theo Quyết định 3342 của UBND TP, nhưng nhiều đơn vị đầu mối không đồng ý thanh toán và ký phụ lục hợp đồng. Công ty Sông Đuống liệt kê Công ty cổ phần Viwaco và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông là 2 đơn vị hiện chỉ đồng ý thanh toán với đơn giá cũ hơn 5.000 đồng/m3.