VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Giá quặng sắt giảm sau khi Trung Quốc cảnh báo về “đầu cơ quá mức”

Giá quặng sắt giảm sau khi Trung Quốc cảnh báo về “đầu cơ quá mức”

09:58 - 25/05/2021

Bắc Kinh ngày càng lo ngại giá quặng sắt cao kỷ lục sẽ làm tăng lạm phát

Giá quặng sắt – nguyên liệu sản xuất thép – giảm mạnh sau khi Trung Quốc ra tín hiệu sẽ tập trung vào nỗ lực hạ nhiệt mức giá tăng cao, cảnh báo về “đầu cơ quá mức” do lo ngại gia tăng lạm phát.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch kinh tế của Trung Quốc, hôm thứ Hai cho biết họ sẽ trấn áp tình trạng độc quyền trên thị trường hàng hóa, việc lan truyền thông tin sai lệch và tích trữ hàng.

"<yoastmark

Thông điệp đó đã lan truyền khắp các thị trường vào thứ Hai. Hợp đồng tương lai chính đối với quặng sắt giảm 7% trên sàn giao dịch Đại Liên của Trung Quốc xuống 1.049 nhân dân tệ (163 USD)/tấn. Mức giá đã giảm gần 20% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào đầu tháng này. Hợp đồng nhôm tương lai kỳ hạn giao tháng 7 giảm 3% trên sàn giao dịch Thượng Hải.

Giá thép cũng thấp hơn, với hợp đồng chính cho cốt thép -–một sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong ngành xây dựng – trượt 4% và thép cuộn cán nóng cũng giảm 4%.

Tuyên bố của chính phủ Trung Quốc phản ánh những lo ngại ngày càng tăng của họ về giá hàng hóa tăng vọt, vốn được thúc đẩy bởi sự phục hồi công nghiệp của đất nước sau đại dịch. Triển vọng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã tiếp thêm động lực cho đà tăng giá.

Robert Rennie, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Westpac, cho biết: “Tôi nghĩ rằng ngày càng có nhiều bằng chứng về sự dư thừa đầu cơ”, đồng dự báo có thể có sự can thiệp sâu hơn từ Bắc Kinh. Ông nói nhu cầu của Trung Quốc mạnh hơn dự kiến ​​và nhu cầu toàn cầu quay trở lại là động lực chính dẫn đến giá tăng cao.

Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới và giá nguyên liệu thô cao hơn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Giá xuất xưởng của quốc gia này đã tăng 6,8% so với cùng kỳ vào tháng 4 sau khi giảm trong phần lớn năm 2020.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp với các nhà sản xuất kim loại lớn của Trung Quốc, NDRC cho biết giá tăng có liên quan đến các yếu tố bao gồm “đầu cơ quá mức” và cảnh báo các doanh nghiệp không tham gia thao túng thị trường.

Tuần trước, đài truyền hình nhà nước CCTV trích dẫn một cuộc họp hội đồng nhà nước do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, cho biết cần thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc tăng giá hàng hóa ảnh hưởng đến giá tiêu dùng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm thứ Hai rằng các nhà chức trách sẽ kiểm tra chặt chẽ các chuyển động trên thị trường hàng hóa giao ngay và thị trường kỳ hạn. Tân Hoa xã đưa tin rằng các cơ quan quản lý sẽ “áp dụng thái độ không khoan nhượng đối với những hành vi bất thường”.

Giá hợp đồng quặng sắt tương lai trên sàn giao dịch Đại Liên của Trung Quốc. Đơn vị: nhân dân tệ/tấn. Nguồn: Refinitiv và Financial Times

Giá hợp đồng quặng sắt tương lai trên sàn giao dịch Đại Liên của Trung Quốc. Đơn vị: nhân dân tệ/tấn. Nguồn: Refinitiv và Financial Times

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc vẫn ở mức thấp so với chỉ số giá sản xuất, khi nhu cầu tiêu dùng tụt lại so với phục hồi sản xuất. CPI nước này tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4.

Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng trước đại dịch vào cuối năm ngoái. Vào năm 2020, nước này đã sản xuất lượng thép kỷ lục như một phần của quá trình phục hồi thúc đẩy bởi sản xuất công nghiệp, dẫn đến sự bùng nổ xây dựng và tăng nhu cầu về quặng sắt từ Úc.

Nỗ lực kiềm chế sản xuất thép sử dụng nhiều carbon, một phần trong nỗ lực đáp ứng các mục tiêu mới về môi trường, đã giúp đẩy giá tăng vào đầu năm nay do kỳ vọng về hạn chế nguồn cung.

“Một trong những lý do khiến bạn có thể lo lắng về việc tích trữ vào phút này… các nhà chức trách Trung Quốc về cơ bản đã nói với ngành rằng họ muốn cắt giảm mức sản xuất thép kỷ lục”, Rennie cho biết.