VNReport»Kinh tế»Tài chính»Giá USD tự do lập đỉnh mới

Giá USD tự do lập đỉnh mới

16:35 - 13/07/2022

Đồng USD mạnh đẩy tỷ giá USD/VND lên cao từ thị trường tự do đến ngân hàng thương mại.

Sáng hôm nay, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng khoảng 70 đồng so với phiên trước, hiện phổ biến ở mức 24.120-24.220 VND/USD.

Một số ngân hàng thương mại cũng tăng giá USD đầu giờ sáng nay. Mức bán ra hiện phổ biến ở 23.520-23.530 VND/USD. Vietcombank tăng 10 đồng lên 23.220-23.530 đồng (mua vào ­– bán ra). Techcombank giữ nguyên chiều mua vào và tăng 4 đồng ở chiều bán ra lên 23.537 VND/USD.

Như vậy, so với đầu năm, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 2,66%. Tuy nhiên, tốc độ tăng là 1,3% nếu so với trước đại dịch Covid-19 (cuối năm 2019).

Giá USD liên tục tăng trong thời gian gần đây.

Giá USD liên tục tăng trong thời gian gần đây.

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hôm nay ở mức 23.198 VND/USD, tăng 15 đồng so với ngày hôm qua. Với biên độ +/- 3%, tỷ giá sàn và trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại lần lượt là 22.502 VND/USD và 23.893 VND/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được giữ nguyên ở mức 22.550-23.400 VND/USD.

Tiền đồng đang chịu áp lực giảm giá khi đồng USD liên tục mạnh lên trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân là do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất và các nhà giao dịch lo ngại về suy thoái, khiến dòng tiền đổ vào đồng bạc xanh – được coi là một kênh trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, tiền đồng giảm một phần cũng do áp lực vĩ ​​mô trong nước (lạm phát, lãi suất). Nguồn cung ngoại hối cũng chịu áp lực khi cán cân thương mại đầu năm thu hẹp còn 0,71 tỷ USD.

Để ổn định tỷ giá, NHNN đã liên tục bán ngoại tệ trong thời gian qua. Theo Công ty Chứng khoán BSC, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối tháng 6 còn khoảng 109 tỷ USD, đủ dư địa để NHNN cân đối cung cầu ngoại hối trên thị trường.

Mặc dù tiền đồng mất giá so với USD nhưng mức giảm vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Theo SSI Research, so với cuối năm 2019, đồng baht của Thái Lan đã mất giá 20,8%, đồng rupee Ấn Độ mất giá 11% và ngay cả đồng dollar của Singapore cũng giảm 3,9%. “Điều này cho thấy sức mạnh của đồng VND nhờ nguồn cung ngoại tệ tích cực trong vòng 3 năm qua”, SSI Research viết trong báo cáo của mình.

NHNN cho biết trên thị trường quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp như căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, làn sóng thắt chặt tiền tệ, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh. Những điều này gây áp lực lên sự ổn định của tỷ giá trong nước. Tỷ giá USD/VND không có xu hướng giảm như năm 2021 mà liên tục tăng từ đầu năm 2022.

Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp nhằm bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản tiền đồng dồi dào trên thị trường để hỗ trợ lãi suất tiền đồng ổn định.

NHNN cũng cho biết cơ quan này sẵn sàng tăng tần suất bán ngoại tệ can thiệp để giữ ổn định tỷ giá.

Các biện pháp can thiệp tiền tệ của Việt Nam được Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất – theo dõi sát sao. Trong báo cáo bán niên mới nhất do Bộ Tài chính Mỹ công bố gần đây, Việt Nam được đánh giá là vượt quá một số ngưỡng liên quan đến thao túng tiền tệ.