VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Hủy kế hoạch mở rộng ở Việt Nam, Intel đầu tư vào đâu trong năm 2023?

Hủy kế hoạch mở rộng ở Việt Nam, Intel đầu tư vào đâu trong năm 2023?

17:23 - 09/11/2023

Trong năm nay, tập đoàn chip khổng lồ của Mỹ đã công bố các khoản đầu tư với tổng giá trị hơn 60 tỷ USD vào Đức, Israel, Ba Lan và Costa Rica.

Ngày 7/11, Reuters đưa tin rằng Intel – tập đoàn chip khổng lồ của Mỹ – hủy một kế hoạch đầu tư mới vào Việt Nam. Trước đó, Intel được cho là có dự định rót thêm 1 tỷ USD vào Việt Nam để mở rộng nhà máy của mình ở TP HCM – vốn là nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất của họ trên toàn cầu.

Quyết định rút lại kế hoạch mở rộng ở Việt Nam được đưa ra khi Intel đang chi tiêu đầu tư mạnh mẽ trên toàn cầu để nắm bắt nhu cầu chip ngày càng tăng. Riêng trong năm nay, công ty đã công bố các khoản đầu tư vào Đức, Israel, Ba Lan và Costa Rica. Các điểm đầu tư khác của Intel trong vài năm trước bao gồm Mỹ và Malaysia.

  1. Đức

Vào tháng 6, Intel thông báo sẽ chi hơn 30 tỷ euro (33 tỷ USD) để phát triển 2 nhà máy chế tạo chip ở Magdeburg, Đức. Đây là một phần trong chiến dịch mở rộng của hãng chip Mỹ tại châu Âu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi đây là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Đức. Để có được khoản đầu tư này, Chính phủ Đức chấp nhận trợ cấp gần 10 tỷ USD cho Intel.

Châu Âu nói chung và Đức nói riêng đang cạnh tranh với nhiều nơi khác trên thế giới thông qua các gói trợ cấp và chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp chip lớn.

Nhà máy đầu tiên ở Magdeburg dự kiến đi vào hoạt động 4-5 năm sau khi gói trợ cấp được chấp thuận. Dự án sẽ tạo khoảng 7.000 việc làm xây dựng, cùng với khoảng 3.000 việc làm công nghệ cao tại Intel.

  1. Israel

Cũng vào tháng 6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Intel sẽ chi 25 tỷ USD xây một nhà máy mới ở Israel. Ông Netanyahu gọi đây là khoản đầu tư quốc tế lớn nhất vào đất nước.

Nhà máy ở Kiryat Gat dự kiến mở cửa vào năm 2027, vận hành ít nhất đến năm 2035 và tạo việc làm cho hàng nghìn người, Bộ Tài chính Israel cho biết.

Intel có lịch sử hoạt động ở Israel trong gần 5 thập kỷ, trở thành nhà tuyển dụng tư nhân và xuất khẩu lớn nhất ở nước này, đi đầu trong ngành điện tử và thông tin Israel, theo trang web của công ty.

Năm 2017, Intel đã mua lại Mobileye – một công ty khởi nghiệp Israel chuyên phát triển hệ thống lái xe tự động – với giá 15 tỷ USD.

  1. Ba Lan

Intel dự kiến đầu tư tối đa 4,6 tỷ USD vào một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn gần Wrocław, Ba Lan, theo thông báo vào tháng 6 của công ty.

Nhà máy này dự kiến sử dụng 2.000 lao động và tạo ra thêm hàng nghìn việc làm khác trong giai đoạn xây dựng. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki gọi dự án này là “khoản đầu tư trực tiếp lớn nhất trong lịch sử Ba Lan”.

Intel đã có mặt ở Ba Lan trong 30 năm và sử dụng 4.000 lao động. Họ cho biết quyết định chọn Ba Lan vì cơ sở hạ tầng, nhân lực có sẵn và vị trí gần với nhà máy sắp xây ở Đức và cơ sở ở Ireland. Nhà máy ở Ba Lan dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2027.

  1. Costa Rica

Trong một thông cáo báo chí hồi tháng 8, Intel cho biết sẽ đầu tư 1,2 tỷ USD vào Costa Rica trong 2 năm tới, dự kiến tạo hơn 2.000 việc làm. Khoản đầu tư này dành để mở rộng hoạt động của Intel tại quốc gia Trung Mỹ – nơi họ đã có nhà máy từ năm 1997.

Các khoản đầu tư trước đó của Intel giúp Costa Rica trở thành một trung tâm công nghệ ở khu vực Mỹ Latinh, có tác động lớn đến nền kinh tế đất nước. Năm 2000, chip chiếm 36% tổng xuất khẩu của Costa Rica.

Tuy nhiên, đến năm 2014, Intel quyết định đóng nhà máy lắp ráp chip ở Costa Rica, sa thải 1.500 nhân viên, nhưng vẫn giữ lại trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) và trung tâm dịch tụ toàn cầu.