VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Highlands Coffee dự định IPO

Highlands Coffee dự định IPO

11:54 - 09/12/2022

Jollibee dự định bán 10-15% cổ phần tại Highlands Coffee nhằm mở đường cho việc khởi động lại tham vọng IPO của chuỗi cà phê này một lần nữa.

Highlands Coffee do một Việt kiều là ông David Thái thành lập năm 1999, khởi đầu từ một nhà đóng gói sản phẩm cà phê tại Hà Nội. Vào năm 2012, ông David Thái bán gần một nửa mảng kinh doanh của Công ty quốc tế Việt Thái (VTI) – chủ sở hữu Highlands Coffee cho Jollibee.

Khi đó, “gã khổng lồ” thức ăn nhanh của Philippines chỉ phải bỏ ra số tiền 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh Hồng Kông của VTI. Bắt đầu từ một phần nhỏ cổ phần của Highlands Coffee, Jollibee đã dần thâu tóm và sau đó nắm quyền kiểm soát chuỗi cà phê đầy tiềm năng này.

Highlands Coffee là một trong những chuỗi cà phê có quy mô và doanh thu lớn nhất Việt Nam

Trước khi về tay Jollibee, Highlands Coffee có khoảng 50 cửa hàng. Đến năm 2016, thương hiệu này đã trở thành chuỗi cà phê và trà đầu tiên tại Việt Nam chạm mốc 100 quán. Tính đến cuối năm 2021, chuỗi này có tổng cộng 483 cửa hàng tại cả Việt Nam và Philippines. Highlands Coffee hiện cũng là một trong những chuỗi cà phê có quy mô và doanh thu lớn nhất Việt Nam.

Từ cuối năm 2016, Jollibee Foods đã ấp ủ kế hoạch IPO Highlands Coffee trên sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2019. Tuy nhiên, vào tháng 7/2019, thương vụ này đã bị hoãn lại mà không tiết lộ lý do. Cùng thời điểm đó, tập đoàn Philippines công bố kế hoạch chi 350 triệu USD để mua lại chuỗi cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ.

Tuy nhiên hiện tại, có vẻ Jollibee một lần nữa lại muốn trở lại với kế hoạch IPO. Theo các nguồn tin từ Reuters cho biết, Jollibee dự định sẽ bán 10 – 15% cổ phần đang nắm giữ tại Highlands Coffee cho một nhà đầu tư. Định giá của chuỗi cà phê này dự kiến sẽ đạt mức 800 triệu USD.

Doanh thu của Công ty cổ phần dịch vụ cà phê Cao Nguyên (đơn vị vận hành Highlands Coffee tại Việt Nam) trong hai năm 2019 và 2020 đều trên 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả doanh thu và lợi nhuận trong 3 năm gần đây đều có xu hướng giảm.

Năm ngoái, chuỗi F&B này đạt doanh thu gần 1.729 tỷ đồng, giảm hơn 19% so với năm trước đó. Cũng trong năm 2021, Highlands Coffee ghi nhận khoản lỗ 19 tỷ đồng dù trước đó lãi hơn 55 tỷ đồng năm 2019 và hơn 44 tỷ đồng năm 2020.

Một trong những nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của Highlands Coffee sụt giảm là Covid-19. Hơn hai năm qua là thời gian các doanh nghiệp ngành F&B Việt Nam phải chật vật để tồn tại. Đại dịch khiến các chuỗi thức ăn và đồ uống lao đao vì phải đóng cửa trong một thời gian dài để thực hiện quy định về giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tiềm năng của thị trường F&B vẫn còn rất lớn. Theo đánh giá của Reuters, với dân số 99 triệu người, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á với GDP tăng 8% trong năm nay và dự đoán tăng 6,5% trong năm tới.

Tiềm năng của thị trường kết hợp với tiềm lực lớn của công ty mẹ Jollibee là lợi thế của Highlands Coffee trên chặng đua với các thương hiệu khác cùng lĩnh vực. Tập đoàn Jollibee hiện điều hành mạng lưới dịch vụ thực phẩm lớn nhất ở Philippines và nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.

Jollibee hiện sở hữu hơn 1.500 cửa hàng ở 17 quốc gia, bao gồm cả thương hiệu Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ và chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của riêng họ với biểu tượng chú ong cười phổ biến.