VNReport»Kinh tế»Kinh tế Mỹ suy thoái trong quý 2/2022

Kinh tế Mỹ suy thoái trong quý 2/2022

09:27 - 29/07/2022

GDP giảm quý thứ hai liên tiếp do lạm phát cao và lãi suất tăng kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Nền kinh tế Mỹ thu hẹp quý thứ hai liên tiếp ­– bước vào suy thoái theo định nghĩa không chính thức – do lạm phát cao và lãi suất tăng buộc người tiêu dùng và doanh nghiệp phải kìm hãm chi tiêu.

Hôm thứ Năm, Bộ Thương mại Mỹ cho biết dữ liệu sơ bộ về GDP giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6. Các nhà kinh tế do Refinitiv khảo sát trước đó dự báo tăng trưởng 0,5%.

GDP đã giảm 1,6% trong 3 tháng đầu năm nay – mức tệ nhất kể từ quý 2/2020 – khi nền kinh tế chìm sâu trong cuộc suy thoái do Covid gây ra.

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ bị kìm hãm do lạm phát cao.

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ bị kìm hãm do lạm phát cao.

Về mặt kỹ thuật, suy thoái được đỉnh nghĩa là 2 quý tăng trưởng kinh tế âm liên tiếp và có các đặc trung gồm tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng GDP thấp hoặc âm, thu nhập giảm và doanh số bán lẻ chậm lại, theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) – cơ quan theo dõi suy thoái.

Với sự suy giảm kinh tế liên tiếp, nền kinh tế đáp ứng tiêu chí kỹ thuật cho một cuộc suy thoái, đòi hỏi “sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên toàn nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng”. Tuy nhiên, NBER thường chờ đợi một khoảng thời gian sau khi suy thoái bắt đầu – có thể lên đến một năm – để xác nhận có suy thoái.

NBER cũng nhấn mạnh rằng họ dựa vào nhiều dữ liệu hơn là chỉ GDP để xác định liệu có suy thoái hay không, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp và chi tiêu tiêu dùng – vẫn tăng trong 6 tháng đầu năm. Họ cũng xem xét mức độ suy giảm hoạt động kinh tế.

Dù nền kinh tế Mỹ có đang suy thoái hay không, nhà kinh tế James Knightley của ING nhận định rằng suy thoái “thực sự chỉ là vấn đề thời gian”, do áp lực lên các hộ gia đình Mỹ từ lạm phát, thị trường chứng khoán và “tốc độ suy giảm thị trường nhà ở đang thực sự tăng”. Ông cho biết những yếu tố này “củng cố cảm giác rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng ta bước vào suy thoái thực sự”.

GDP thu hẹp trong quý 2 bắt nguồn từ một số yếu tố, bao gồm sự sụt giảm hàng tồn kho tư nhân, đầu tư xây nhà ở và đầu tư khác, chi tiêu của chính phủ ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương. Những khoản giảm đó được bù đắp bởi sự gia tăng xuất khẩu ròng cũng như chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm 2/3 GDP.

Báo cáo cho thấy người tiêu dùng đang chi tiêu ít hơn nhiều so với mùa đông năm ngoái, với chi tiêu tiêu dùng cá nhân chỉ tăng 1% trong giai đoạn lạm phát cao kéo dài và làm xói mòn sức mua của người Mỹ.

Báo cáo sẽ thúc đẩy thêm cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng tăng đối với Tổng thống Joe Biden – đã chứng kiến ​​xếp hạng tín nhiệm của mình sụp đổ cùng với những khó khăn của nền kinh tế. Nó cũng có thể làm phức tạp thêm hướng đi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi họ cân nhắc tốc độ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát mà không đè bẹp tăng trưởng.

Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương nâng lãi suất chuẩn 0,75 điểm phần trăm vào tháng 6 và tháng 7 lần đầu tiên kể từ năm 1994. Họ báo hiệu rằng có thể có một đợt tăng nữa với tốc độ đó vào tháng 9, tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới.