VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế toàn cầu thiệt hại gần 3.000 tỷ USD do xung đột ở Ukraine

Kinh tế toàn cầu thiệt hại gần 3.000 tỷ USD do xung đột ở Ukraine

11:43 - 28/09/2022

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính kinh tế thế giới sẽ thiệt hại khoảng 2.800 tỷ USD do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.

Giá đắt cho xung đột Nga-Ukraine

Trong báo cáo mới nhất của OECD, nền kinh tế thế giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn so với dự báo trước đó vào năm tới do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine. Theo tổ chức này, xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2,8 nghìn tỷ USD do sản lượng bị mất vào cuối năm 2023 và thậm chí thiệt hại còn nhiều hơn thế nếu giá năng lượng tiếp tục tăng.

Ước tính của OECD cho thấy mức độ ảnh hưởng của kinh tế thế giới từ cuộc xung đột tại Ukraine. Cuộc xung đột đã làm giá năng lượng tăng đột biến, ảnh hưởng tới các hộ gia đình và doanh nghiệp đang hoạt động ở châu Âu. Nó cũng làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, gây nên tình trạng khan hiếm thực phẩm và các loại mặt hàng thiết yếu khác và làm chao đảo các thị trường trên toàn cầu.

Cũng theo OECD, nền kinh tế toàn cầu dự kiến tăng trưởng 3% trong năm nay và 2,2% trong năm sau. Trước cuộc chiến, đà tăng trưởng được dự báo là 4,5% trong năm 2022 và 3,2% trong năm 2023. Sự khác biệt giữa 2 con số dự báo này cho thấy cuộc chiến ở Ukraine và những hậu quả nó gây nên sẽ khiến thế giới mất đi sản lượng kinh tế tương đương với sản lượng của toàn bộ nền kinh tế Pháp trong 2 năm.

Ngày 27/9, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã đưa ra nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng đa tầng đang diễn ra.

Cuộc xung đột Nga-Ukrane gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng

Với Ukraine, chiến dịch quân sự của Nga khiến nước này đã phải chịu thiệt hại gần 1.000 tỷ USD. Con số này gấp 5 lần GDP hàng năm của Ukraine trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2. Chính phủ Ukraine dự kiến nền kinh tế sẽ giảm từ 35-40% trong năm nay. Đây là mức sụt giảm GDP sâu nhất mà Ukraine đã trải qua kể từ năm 1991.

Trong khi đó, nền kinh tế Nga dù đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế nhưng vẫn sụt giảm ít hơn dự báo trước đó. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2022 dự báo giảm khoảng 2,9%. Sang năm 2023, GDP dự tính sẽ giảm 0,8% và sẽ tăng trưởng 2,6% vào năm 2024.

Dù không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột song châu Âu lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga. OECD dự báo rằng nền kinh tế khu vực eurozone sẽ tăng trưởng chỉ 0,3% trong năm 2023, trong đó nền kinh tế Đức sẽ thu hẹp 0,7%. Dự báo mà OECD đưa ra trước đó cho thấy đà tăng trưởng của eurozone đạt 1,6% và nền kinh tế Đức là 1,7%.

OECD cảnh báo rằng nền kinh tế châu Âu có thể bị suy thoái mạnh hơn nữa nếu giá năng lượng lại tăng hơn nữa. Nếu giá khí đốt tự nhiên tăng 50% trong thời gian còn lại của năm, sản lượng kinh tế châu Âu có thể thấp hơn 1,3% vào năm 2023, trong khi kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 1,7%.

Triển vọng hòa bình mong manh

Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước bờ vực suy thoái, giao tranh giữa Nga-Ukraine vẫn sẽ diễn ra ác liệt hơn trong mùa Đông khi cả hai đều tìm cách đánh bại đối phương để giành thêm nhiều vùng lãnh thổ. Hiện chưa bên nào gửi đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đàm phán để đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột.

Ngày 16/9, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng làm mọi thứ để chấm dứt xung đột tại Ukraine trong thời gian sớm nhất nhưng Ukraine đã từ chối đàm phán. Về phần mình, Ukraine vẫn giữ quan điểm nhất quán là không đàm phán với Nga trừ khi nước này giành lại được toàn bộ các vùng lãnh thổ đã mất.

Với tình hình hiện tại trên chiến trường, có rất ít động lực để Ukraine tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn còn Nga được cho là khó xoay chuyển kết quả của chiến dịch quân sự đặc biệt khi 1/3 diện tích khu vực Donbass vẫn còn nằm trong tay Ukraine.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra nhiều bất ngờ và rất khó dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Các chính phủ phương Tây lo ngại rằng lệnh tổng động viên một phần của Nga và kết quả các cuộc trưng cầu dân ý về gia nhập Liên bang Nga có thể kéo dài cuộc xung đột thêm nhiều tháng, có thể là nhiều năm, tiếp tục thổi bùng lên sự bất ổn đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu.