VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% trong quý III

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% trong quý III

14:18 - 18/10/2023

Trong ngắn hạn, bất động sản vẫn là rủi ro lớn với kinh tế Trung Quốc khi doanh số bán nhà giảm mạnh và các doanh nghiệp lớn nợ nần chồng chất.

Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại ít hơn dự báo trong quý III, kết quả cho thấy nước này đang thoát ra khỏi giai đoạn tăng trưởng yếu khi các biện pháp kích thích bắt đầu có tác dụng.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc có thể sẽ khó khăn trong một thời gian nữa. Bất động sản vẫn là rủi ro lớn khi doanh số bán nhà giảm mạnh và các nhà phát triển lớn Evergrande và Country Garden đối mặt với núi nợ. Niềm tin của người tiêu dùng không cao và bối cảnh toàn cầu đâng xấu đi vì chiến tranh giữa Israel và Hamas.

Về lâu dài, Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt những trở ngại, bao gồm mối quan hệ băng giá với phương Tây do Mỹ dẫn đầu, nhân khẩu học xấu đi và khó khăn trong việc định hướng lại nền kinh tế theo hướng tiêu dùng thay vì đầu tư bất động sản. Các nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong những năm tới.

Về lâu dài, kinh tế Trung Quốc đối mặt với hàng loạt trở ngại và được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại.

Về lâu dài, kinh tế Trung Quốc đối mặt với hàng loạt trở ngại và được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại.

Ngày 18/10, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết nền kinh tế tăng trưởng 4,9% trong quý III so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chậm hơn so với tốc độ 6,3% trong quý II, mặc dù con số đó có được một phần nhờ so sánh với quý II/2022, khi các thành phố lớn bao gồm Thượng Hải phong tỏa.

Kết quả quý III khiến tốc độ tăng trưởng 9 tháng của Trung Quốc ở mức 5,2%, đủ để đạt được mục tiêu của chính phủ là tăng trưởng khoảng 5% trong cả năm. Sheng Laiyun – Phó Cục trưởng Cục Thống kê Trung Quốc – nói rằng nước này chỉ cần tăng trưởng 4,4% trong quý IV để đạt được mục tiêu cả năm. “Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay”, ông nói.

So với quý trước, nền kinh tế Trung Quốc trong quý III tăng trưởng 1,3%, tăng tốc so với tốc độ 0,8% trong quý II. Trước đại dịch, kinh tế Trung Quốc thường tăng trưởng trên dưới 1,5% theo quý.

Kết quả kém của nền kinh tế Trung Quốc trái ngược với sức sống bất ngờ ở Mỹ, nơi chi tiêu của người tiêu dùng và chính phủ đang giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh. Các nhà kinh tế hiện cho rằng Mỹ nhiều khả năng tránh được suy thoái. Tình hiện hiện tại trái ngược với đầu năm, khi việc Trung Quốc tái mở cửa được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và Mỹ được cho là sẽ nhanh chóng mất đà.

Trong dự báo mới nhất công bố tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Mỹ và các nước khác có thể sẽ “hạ cánh mềm”, với lạm phát hạ nhiệt mà tăng trưởng không giảm đáng kể. IMF nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay và năm tới, đồng thời giảm dự báo của Trung Quốc. Quỹ đánh giá khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang làm tổn hại niềm tin của người tiêu dùng và siết chặt chi tiêu, đồng thời kêu gọi chính phủ xem xét hỗ trợ cho người tiêu dùng để kinh tế phục hồi mạnh hơn.

“Nền kinh tế Trung Quốc dường như đã vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn nhờ nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau của chính phủ, nhưng khả năng phục hồi mạnh khó có thể xảy ra”, theo Eswar Prasad – nhà kinh tế học của Đại học Cornell và từng đứng đầu bộ phận Trung Quốc của IMF. “Tuy nhiên, điềm tốt cho cả nền kinh tế Trung Quốc và thế giới là một đợt suy thoái nghiêm trọng hơn dường như đã được ngăn chặn”.

Dữ liệu ngày 18/10 cho thấy tăng trưởng quý III ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi chi tiêu bán lẻ, giúp bù đắp điểm yếu trong xuất khẩu và lĩnh vực bất động sản khổng lồ.

Cuộc khủng hoảng bất động sản đè nặng lên tăng trưởng ở Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng bất động sản đè nặng lên tăng trưởng ở Trung Quốc.

Tăng trưởng của Trung Quốc chững lại sau khi kết thúc giai đoạn bùng nổ ban đầu thúc đẩy bởi việc dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt. Trong vài tuần qua, Bắc Kinh tung ra một loạt các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và ngăn chặn đà lao dốc của bất động sản. Lãi suất được cắt giảm và nguồn vốn được tăng cường chuyển tới các ngân hàng để cho người dân và doanh nghiệp vay, trong khi nhiều thành phố bãi bỏ những hạn chế mua nhà. Trong một vài trường hợp, các chủ đầu tư được phép giảm giá lớn cho người mua nhà nhằm cố gắng giải quyết lượng căn hộ tồn kho chưa bán được.

Một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chuyển hướng. Những cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy sản lượng sản xuất đang cải thiện, trong khi du lịch nội địa tăng trưởng khiêm tốn trong kỳ nghỉ lễ 8 ngày gần đây. Các nhà kinh tế tại Nomura viết trong một báo cáo gửi khách hàng đầu tuần này rằng mức tiêu thụ điện đang tăng lên và lưu lượng vận chuyển hàng hóa ổn định. Tín dụng cho người dân và doanh nghiệp cũng đang tăng.

Ở mặt ngược lại, giá tiêu dùng tháng 9 không đổi so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu kém và xuất khẩu giảm 5 tháng liên tiếp tính đến tháng 9, dù mức giảm thấp hơn so với tháng 8. Các chỉ báo về thị trường nhà vẫn yếu. Doanh thu bán nhà giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm, so với mức giảm 1,5% trong giai đoạn 8 tháng đầu năm.

“Tôi nghĩ chúng ta đang bắt đầu thấy điểm chạm đáy yếu”, theo Rory Green, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại công ty tư vấn kinh tế GlobalData.TSLombard ở London, cho biết. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng tăng trưởng sẽ bật lên và dự báo quá trình phục hồi sẽ theo “mô hình chữ L”, với tăng trưởng chậm trong một thời gian.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5% trong tháng 9 từ mức 5,2% trong tháng 8. Trung Quốc đã ngừng công bố dữ liệu về tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ từ tháng 6, cho biết lý do là để hoàn thiện cách thống kê. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng quyết định này là do họ không hài lòng với tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên. Dữ liệu tháng 6 cho thấy hơn 1/5 người Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi không tìm được việc làm.