VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát Mỹ giảm xuống thấp nhất gần 2 năm

Lạm phát Mỹ giảm xuống thấp nhất gần 2 năm

09:43 - 13/04/2023

CPI tháng 3 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Áp lực lạm phát cơ bản vẫn có thể khiến Fed tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 5.

Lạm phát của Mỹ giảm trong tháng 3 và xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm, nhưng áp lực giá cơ bản có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để ngỏ khả năng xem xét một đợt tăng lãi suất khác tại cuộc họp vào tháng 5.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 6% của tháng 2 và là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 5/2021, Bộ Lao động Mỹ cho biết ngày 12/4. Các nhóm hàng ghi nhận giá thấp hơn trong tháng trước bao gồm thực phẩm, xăng dầu, chăm sóc y tế và điện nước. Trong khi đó, giá cả tăng đối với nhà ở, vé máy bay và bảo hiểm xe.

Mặc dù giảm, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 2,1% trong 3 năm trước đại dịch và mục tiêu 2% của Fed.

CPI cơ bản – một thước đo không bao gồm thực phẩm và năng lượng – tăng 5,6% trong tháng 3 so với một năm trước đó, cao hơn so với mức 5,5% của tháng trước. Lạm phát cơ bản – mà các nhà kinh tế coi là chỉ báo dự đoán tốt hơn về lạm phát trong tương lai – vẫn giữ ở mức cao một phần do áp lực từ chi phí nhà ở.

CPI trong tháng 3 tăng 0,1% so với tháng trước, giảm mạnh so với mức tăng 0,4% của tháng 2; trong khi CPI cơ bản tăng 0,4%, giảm nhẹ so với 0,5%.

Lạm phát cao và thị trường lao động thắt chặt khiến các quan chức Fed phát tín hiệu rằng họ có thể tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo, mặc dù nhiều khả năng nền kinh tế sẽ bước vào suy thoái từ cuối năm nay, theo biên bản cuộc họp ngày 21-22/3 công bố ngày 12/4. Trong năm qua, Fed đã tăng lãi suất 9 lần để hạ nhiệt nền kinh tế và chế ngự lạm phát, vốn đã tăng vọt khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch trong bối cảnh chuỗi cung ứng gián đoạn và thiếu hụt lao động. Lãi suất quỹ liên bang chuẩn hiện nằm trong khoảng từ 4,75% đến 5%.

Khi cân nhắc về khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp đầu tháng 5 tới, các quan chức báo hiệu rằng họ sẽ đặc biệt chú ý đến các thước đo hoạt động kinh tế, bao gồm điều kiện tín dụng sau những căng thẳng hệ thống ngân hàng.

Steve Blitz – nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại TS Lombard – cho biết: “Vấn đề lạm phát không tự giải quyết được – nó cần tỷ lệ thất nghiệp cao hơn”.

Nền kinh tế Mỹ khởi đầu năm nay với sức mạnh bất ngờ, nhưng gần đây đã có những dấu hiệu chậm lại. Ngày 11/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ước tính rằng việc thắt chặt cho vay sau 2 vụ phá sản ngân hàng khu vực gần đây sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng trong năm nay.

Thị trường lao động hạ nhiệt trong tháng 3, với số việc làm mới giảm và tăng trưởng tiền lương chậm lại. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng từ mức thấp lịch sử. Và số việc làm trống đã giảm – một tín hiệu cho thấy nhu cầu lao động đang yếu đi. Chi tiêu tiêu dùng – động lực chính của tăng trưởng – tăng thấp hơn trong tháng 2.

Giá thực phẩm giảm trong tháng 3 so với tháng trước, lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020. Giá trứng – tăng vọt vào năm ngoái do dịch cúm gia cầm bùng phát – có mức giảm lớn nhất trong một tháng kể từ năm 1987. Giá xăng dầu và khí đốt cũng giảm. Giá ô tô mới tăng nhưng giá ô tô cũ giảm.

Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng – một nguyên nhân ban đầu của lạm phát cao – đang giảm bớt. Giá cước vận chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ đã về gần bằng mức trước đại dịch sau khi tăng vọt trong năm 2021.

Bernard Yaros – nhà kinh tế tại Moody’s – cho biết giá hàng hóa đang tăng chậm hơn, trong một quá trình được gọi là thiếu phát, nhưng quá trình này đang sắp kết thúc. “Ít nhất là trong tương lai gần, phần lớn ích lợi từ các chuỗi cung ứng phục hồi đã xuất hiện và chúng ta không thể kỳ vọng rằng đó sẽ là nguồn giảm lạm phát chính trong tương lai”, ông cho biết.