VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lạm phát Mỹ tháng 11 hạ nhiệt xuống 7,1%

Lạm phát Mỹ tháng 11 hạ nhiệt xuống 7,1%

12:15 - 14/12/2022

Tốc độ tăng giá cả ở Mỹ tiếp tục hạ nhiệt từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào mùa hè năm nay, mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

Giá tiêu dùng ở Mỹ tăng trong tháng trước với tốc độ theo năm chậm nhất kể từ tháng 12/2021, một tín hiệu là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn trong cuộc họp cuối cùng của năm 2022.

Hôm thứ ba, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,1% trong tháng 11 so với một năm trước, giảm mạnh so với mức 7,7% trong tháng 10. Tốc độ lạm phát tiếp tục giảm kể từ mức cao nhất 9,1% của tháng 6, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 2,1% trong 3 năm trước đại dịch.

CPI cơ bản – không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm – tăng 6% trong tháng 11 so với một năm trước, giảm từ mức tăng 6,3% trong tháng 10. Mức tăng 6,6% của tháng 9 là lớn nhất kể từ tháng 8/1982.

Tốc độ lạm phát ở Mỹ giảm trong những tháng gần đây, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

Tốc độ lạm phát ở Mỹ giảm trong những tháng gần đây, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

Giá cả cũng hạ nhiệt đáng kể theo tháng, với giá xăng, điện nước, dịch vụ chăm sóc y tế và xe cũ đều giảm. Giá các bữa ăn tại nhà hàng tăng nhẹ hơn, trong khi giá xe mới không thay đổi. CPI tăng 0,1% trong tháng 11 so với tháng trước, sau khi tăng 0,4% trong tháng 10. CPI cơ bản tăng 0,2% trong tháng 11, giảm từ 0,3% trong tháng 10 và 0,6% trong tháng 8 và tháng 9.

Các số liệu là cơ sở đề Fed nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào thứ Tư, sau những mức tăng 0,75 điểm trong 4 cuộc họp trước của họ. Lần tăng lãi suất hôm thứ Tư sẽ là lần tăng thứ bảy liên tiếp trong năm nay nhằm chống lạm phát bằng cách làm chậm lại nền kinh tế. Hai tháng liên tiếp áp lực giá cả giảm có thể làm phức tạp thêm cuộc thảo luận của Fed về mức tăng lãi suất vào đầu năm tới.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm và lợi suất trái phiếu giảm – đồng nghĩa với giá trái phiếu tăng – sau khi công bố CPI. S&P 500 tăng 0,7%, Chỉ số Tổng hợp Nasdaq tăng 1% và Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones tăng 0,3%.

“Con số này hôm nay phù hợp với mục tiêu của Fed và đó là lần đầu tiên chúng ta thấy một con số thấp như vậy trong gần 2 năm”, theo Paul Ashworth – nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Capital Economics. Ông lưu ý mức tăng theo tháng của CPI cơ bản tương đương với mức 2,4% trên cơ sở năm. “Vì vậy, tất nhiên, đó là tin tốt”.

Lạm phát tăng vọt trong năm 2021 khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nguyên nhân là nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao – được thúc đẩy bởi lãi suất siêu thấp và các biện pháp kích thích của chính phủ – kết hợp với nguồn cung hạn chế do gián đoạn liên quan đến đại dịch gây ra. Đầu năm nay, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine càng làm tăng lạm phát trên toàn thế giới, đẩy giá năng lượng và các hàng hóa khác lên cao.

Lạm phát ở Mỹ nói chung đã giảm bớt kể từ mùa hè do tình trạng tắc nghẽn nguồn cung được cải thiện. Theo OPIS – một nhà cung cấp dữ liệu và phân tích năng lượng – giá xăng không chì thông thường trung bình trên toàn nước Mỹ là 3,25 USD/gallon vào thứ Ba, giảm hơn 50 cent/gallon so với 1 tháng trước đó. Giá đạt đỉnh vào giữa tháng 6 ở mức kỷ lục 5,02 USD/gallon.

Giá ô tô đã qua sử dụng – một nguyên nhân lớn gây ra lạm phát vào năm ngoái – giảm tháng thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021, dù vẫn cao hơn 40% so với trước đại dịch. Nhiều giá cả liên quan đến du lịch cũng giảm trong tháng 11, với giá vé máy bay giảm 3% so với tháng 10, giá thuê ô tô giảm 2,4%. Tuy nhiên, giá thực phẩm tăng 0,5% trong tháng 11 so với tháng trước, cao hơn so với tốc độ của tháng 10, bị thúc đẩy bởi giá các sản phẩm bánh mì, trái cây và rau củ.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương tăng giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng dù lạm phát cao.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương tăng giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng dù lạm phát cao.

Lạm phát vẫn ở mức cao và đã lan sang các ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động hơn khi tiền lương tăng trong một thị trường lao động thắt chặt, nơi nhu cầu lao động vượt quá số người thất nghiệp đang tìm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng đang giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng – vẫn mạnh mẽ mặc dù lạm phát cao.

Báo cáo CPI của tháng 11 đưa ra những dấu hiệu rằng áp lực tiền lương có thể đang giảm bớt. Mức tăng giá dịch vụ – ngoại trừ bảo hiểm nhà ở và y tế – đóng góp ít hơn vào lạm phát cơ bản trong tháng 11 so với 2 tháng trước đó.

Ăn uống bên ngoài – một dịch vụ mà lao động chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong chi phí – tăng 0,5% trong tháng 11 so với tháng trước, mức giảm rõ rệt so với tốc độ trung bình 0,9% từ tháng 6 đến tháng 10. Tuy nhiên, các dịch vụ giải trí tăng 1% trong tháng 11 so với tháng trước, mức tăng mạnh nhất kể từ khi nới lỏng phong tỏa vào tháng 5/2020. Giá vé các sự kiện thể thao tăng 3,5% – cao nhất kể từ khi thu thập dữ liệu vào năm 1978. Giá cắt tóc và các dịch vụ chăm sóc cá nhân khác tăng 1,4% vào tháng 11 so với tháng 10, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 7/2021.

Michael Pond – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu liên quan đến lạm phát toàn cầu tại Barclays PLC – cho biết: “Thị trường lao động là nơi cuối cùng … nơi mà tăng trưởng tiền lương cao hơn có thể tiếp tục gây áp lực lên lạm phát”.

Doanh số bán nhà giảm vì lãi suất thế chấp tăng. Ông Ashworth cho biết rằng chi phí nhà ở hạ nhiệt và tốc độ tăng giá hàng hóa chậm lại có thể sẽ giảm bớt áp lực lên lạm phát. “Trong 6 đến 12 tháng tới, ngay cả khi không có sự điều tiết trong tăng trưởng tiền lương, lạm phát cơ bản có thể giảm đáng kể chỉ với mức giảm lạm phát mà chúng ta sẽ nhận được từ giá hàng hóa và nhà ở”, ông nói.