VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Lãnh đạo hai đảng đạt thỏa thuận “về nguyên tắc” để nâng trần nợ chính phủ Mỹ

Lãnh đạo hai đảng đạt thỏa thuận “về nguyên tắc” để nâng trần nợ chính phủ Mỹ

08:01 - 29/05/2023

Nếu được cả hai viện của Quốc hội thông qua, thỏa thuận sẽ giúp chính phủ Mỹ tránh vỡ nợ – điều sẽ gây nguy hiểm lên kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được một thỏa thuận cơ bản vào ngày 27/5 để nâng trần nợ chính phủ Mỹ trong 2 năm, tạo điều kiện để Mỹ tránh vỡ nợ – điều sẽ gây nguy hiểm lên kinh tế toàn cầu.

Thỏa thuận được công bố vài giờ sau khi 2 nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ và Cộng Hòa nói chuyện qua điện thoại trong khoảng 90 phút vào tối ngày 27/5, sau nhiều tuần đàm phán giữa Nhà Trắng và lãnh đạo Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện.

Thỏa thuận này cần có sự chấp thuận của cả 2 viện của Quốc hội. Ông McCarthy cho biết một cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra vào thứ Tư tại Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số và một số đảng viên đã báo hiệu phản đối thỏa thuận.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (trái) và Tổng thống Joe Biden đạt được thỏa thuận cơ bản để nâng trần nợ chính phủ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (trái) và Tổng thống Joe Biden đạt được thỏa thuận cơ bản để nâng trần nợ chính phủ.

Quốc hội và Nhà Trắng đang chịu áp lực phải hành động nhanh chóng. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng Mỹ có thể thiếu tiền để trả nợ sớm nhất vào ngày 5/6, một kịch bản có thể gây ra những hậu quả kinh tế và tài chính nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố, ông Biden nói rằng “thỏa thuận thể hiện sự thỏa hiệp, có nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều họ muốn”. Ông McCarthy nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm”.

Trần nợ chính phủ liên bang Mỹ hiện là 31,4 nghìn tỷ USD. Thỏa thuận được cho là nâng trần nợ thêm 4 nghìn tỷ USD nữa. Mức nợ hiện tại của chính phủ Mỹ bằng khoảng 120% GDP.

Một số chi tiết của thỏa thuận đã được tiết lộ, nhưng vẫn có thể thay đổi. Theo đó, chính phủ Mỹ bị giới hạn mức chi tiêu phi quốc phòng năm 2024 bằng với năm 2023 và chỉ được tăng 1% trong năm 2025.

Nhà Trắng chấp nhận một yêu cầu chính của Đảng Cộng hòa: thắt chặt yêu cầu về công việc đối với trợ cấp thực phẩm. Thỏa thuận cũng sẽ cắt ngân sách cho Sở Thuế vụ và đòi lại số tiền chưa chi tiêu trong quỹ chống Covid-19.

Bước tiếp theo của thỏa thuận là đưa ra bỏ phiếu ở Quốc hội. Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa kêu gọi cắt giảm chi tiêu sâu hơn so với trong thỏa thuận, trong khi một số nghị sĩ Đảng Dân chủ cho rằng ông Biden không nên chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào của Đảng Cộng hòa.

Thỏa thuận này sẽ không thay đổi đáng kể tình hình tài chính dài hạn của chính phủ Mỹ, vì nó chỉ ảnh hưởng nhẹ đến các khoản chi tiêu công chiếm 1/3 ngân sách chính phủ.

Trong nhiều tháng, Đảng Dân chủ đòi nâng trần nợ vô điều kiện. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa yêu cầu chính phủ phải cắt giảm chi tiêu để đổi lấy sự ủng hộ cho việc tăng trần nợ.

Các cuộc đàm phán giữa hai bên mới bắt đầu gần đây sau khi Hạ viện – do Đảng Cộng hòa kiểm soát – thông qua một dự thảo tăng trần nợ của mình và chỉ còn vài tuần trước khi chính phủ có thể vỡ nợ.

Sự bế tắc – gợi nhớ lại những cuộc tranh luận tương tự vào năm 2011 và 2013 – bắt đầu gây lo ngại cho thị trường tài chính trong những ngày gần đây. Nợ chính phủ Mỹ là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu. Giới đầu tư coi nó như một tài sản trú ẩn an toàn và dùng nó để thế chấp cho các khoản vay khác.