VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp Việt linh hoạt để “vượt bão”

Doanh nghiệp Việt linh hoạt để “vượt bão”

11:39 - 06/12/2022

Tình trạng cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm đang diễn ra trên diện rộng là thực tế của thị trường mà doanh nghiệp phải linh hoạt chấp nhận.

Trong những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày đang chịu tác động lớn bởi các đơn hàng bị cắt giảm dẫn đến người lao buộc phải nghỉ luôn phiên, giãn việc hoặc cho người lao động nghỉ tết sớm…

Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống kê đến cuối tháng 11 cho thấy, đã có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động.

Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là trên 472.000 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Các ngành có số lao động bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, gia dày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí…

Dữ liệu từ Navigos Group cũng chỉ ra, nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong 3 tháng cuối năm giảm mạnh ở một loạt ngành nghề, giảm trung bình 15-18%. Một số ngành sụt giảm mạnh về nhu cầu tuyển dụng nhân sự bao gồm: Dệt may/da giày (giảm 44%); Nhà hàng – Khách sạn (giảm 49%); Hàng không – Du lịch (giảm 51%); Hàng hải (giảm 43%); Bất động sản (bắt đầu giảm 29% vào tháng 11); Thu mua vật tư, cung vận (giảm 30%)…

Lao động ngành dệt may chịu tác động lớn trước “cơn bão” cắt giảm lao động

Nhìn nhận về thực trạng cắt giảm lao động hàng loạt, ông Đào Trọng Độ – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cho biết, đây là thực tế không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước, đặc biệt với những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động. Đây là quy luật của kinh tế thị trường mà doanh nghiệp phải chấp nhận.

“Khi doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế chúng ta phải chấp nhận biến động của thị trường và thay đổi đơn hàng sụt giảm mức 30-40% như hiện nay”, ông Đào Trọng Độ nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, ông Độ cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động hơn trong tìm kiếm các đơn hàng, bao gồm cả đơn hàng chính và đơn hàng thứ cấp để có thể thích ứng được.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chế tài và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời điểm tạm thời, ví dụ như khi doanh nghiệp sụt giảm hay mất đơn hàng. Bởi các chính sách đó không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà chính là ổn định cho người lao động. Ngoài ra, các Hiệp hội, hội cũng nên có các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Đào Trọng Độ cũng cho rằng doanh nghiệp cần đào tạo lại lao động để tăng cường năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp để giữ được các đơn hàng ổn định và chất lượng. Bởi khi năng lực cạnh tranh thấp họ sẵn sàng chuyển dịch khỏi Việt Nam.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phùng Đức Tùng cho rằng, suy giảm kinh tế toàn cầu khiến đơn hàng sụt giảm chỉ là một khía cạnh tác động lên thị trường lao động. Theo ông, tình trạng hiện nay còn là hệ quả của việc doanh nghiệp đói vốn, cạn tiền.

Ông Phùng Đức Tùng cho rằng, Việt Nam nên chấp nhận mức lạm phát vừa phải, ví dụ 5-6%. Đồng thời, bơm tiền thông qua việc mua lại ngoại tệ; đẩy mạnh đầu tư công; nới thêm room tín dụng và cho phép các dự án bất động sản dở dang tiếp tục được vay tiền hoặc phát hành trái phiếu để hoàn thành.

Chuyên gia này cũng đề xuất cơ quan chức năng rà soát trái phiếu doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp tốt, nên cho họ được phát hành để đảo nợ nhằm duy trì kinh doanh. Thời điểm hiện tại là lúc cần phải khôi phục lại niềm tin cho thị trường.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng đây là thời điểm nên cân nhắc miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp giữ việc cho công nhân. Hay VCCI đang kiến nghị trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp – hiện kết dư khoảng 55.570 tỷ đồng, để hỗ trợ người mất việc.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, những biến động trên thị trường lao động đang đặt ra bài toán dài hơi hơn. Ông Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng phải chấp nhận thực trạng của thị trường để có những giải pháp căn cơ chứ không chỉ bằng những hỗ trợ khi thấy một nhóm lao động bị tác động.

Theo đó, Chính phủ, các địa phương có thể tính đến đẩy mạnh các chương trình cụ thể hỗ trợ cụ thể đào tạo, kết nối, tư vấn cho người lao động… Bên cạnh đó, chính sách phải giữ chắc được lưới an sinh, vì đây là vùng đệm cho người lao động.