VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Mỹ chi cho vũ khí hạt nhân nhiều nhất thế giới

Mỹ chi cho vũ khí hạt nhân nhiều nhất thế giới

15:57 - 08/06/2021

Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về chi tiêu cho vũ khí hạt nhân trong năm ngoái, gấp gần năm lần so với Nga.

Hiện Mỹ là cường quốc hàng đầu thế giới về vũ khí hạt nhân. Để duy trì ưu thế này, Mỹ vẫn đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí hạt nhân tiên tiến có độ an toàn cao, dễ dàng bảo quản, sử dụng và tập trung vào vũ khí hạt nhân chiến lược biên chế trên tàu ngầm, máy bay và tên lửa đạn đạo.

Chiến dịch Quốc tế về Bãi bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN) ngày 7/6 công bố báo cáo cho thấy tổng chi tiêu cho vũ khí hạt nhân của các quốc gia trên thế giới là 72,6 tỷ đô la. Con số này cao hơn 1,4 tỷ đô la so với năm 2019, bất chấp việc các quốc gia đang phải vật lộn đối phó với đại dịch Covid-19 và nhiều tổ chức quốc tế đang đẩy mạnh việc cấm vũ khí hạt nhân.

Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về chi tiêu cho vũ khí hạt nhân

Trong năm 2020, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về chi tiêu cho vũ khí hạt nhân, với 37,4 tỷ đô la. Đứng thứ hai là Trung Quốc với 10,1 tỉ đô la, tiếp đến là Nga (8 tỷ đô la), Anh (6,2 tỷ đô la) và Pháp (5,7 tỷ đô la). Các nước Ấn Độ, Israel, Pakistan cũng chi hơn một tỷ đô la cho kho vũ khí hạt nhân, còn Triều Tiên chi 667 triệu đô la.

Trong khi các giường bệnh chật kín bệnh nhân, các bác sĩ và y tá làm việc không ngừng nghỉ với nguồn cung thiết bị y tế khan hiếm, thì 9 quốc gia nói trên lại chi hơn 72 tỷ đô la cho vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các công ty hàng đầu thu được lợi nhuận từ các hợp đồng mua bán vũ khí hạt nhân là Northrop Grumman, General Dynamics, Lockheed Martin, Raytheon Technologies và Draper. Gần một nửa số tiền mà Mỹ chi tiêu trong năm ngoái, tương đương 13,7 tỷ đô la, là dành cho Northrop Grumman để xây dựng một hệ thống vũ khí hạt nhân hoàn toàn mới.

Trong khi đó, so với năm 2019, mức chi tiêu của Nga đã giảm hơn 600 triệu đô la. Ngày 2/6/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt Các nguyên tắc cơ bản của Chính sách Nhà nước về Răn đe Hạt nhân. Theo văn bản này, Moscow chỉ coi vũ khí hạt nhân “là một phương tiện răn đe”.