VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Mỹ “tẩy chay ngoại giao” Olympic Bắc Kinh 2022

Mỹ “tẩy chay ngoại giao” Olympic Bắc Kinh 2022

09:28 - 07/12/2021

Mỹ không gửi các quan chức nước này tham dự Olympic Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, nhưng vẫn cho phép các vận động viên Mỹ tranh tài.

Chính quyền Mỹ sẽ tẩy chay ngoại giao bằng cách không cử các quan chức nước này tham dự Olympic Mùa đông 2022 sắp tới ở Bắc Kinh. Lý do được Nhà Trắng đưa ra là sự đàn áp của Trung Quốc đối với một nhóm thiểu số Hồi giáo và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.

Quyết định được đưa ra cách đây vài tuần, mặc dù giới chức Mỹ chờ một thời gian sau cuộc điện đàm tháng trước giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rồi mới đưa ra thông báo. Điều này nhằm ổn định quan hệ đang căng thẳng, theo các cố vấn chính quyền Mỹ.

Việc tẩy chay khiến các quan chức Mỹ không tham dự Olympic, nhưng vẫn cho phép vận động viên Mỹ tham gia sự kiện sắp tới. Tuy nhiên, quyết định của Mỹ có khả năng ảnh hưởng đến các chính phủ khác, đặc biệt là những nước đồng minh. Australia, Hà Lan và những nước khác đã xem xét tẩy chay.

Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022 dự kiến tổ chức vào tháng 2 tới.

Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022 dự kiến tổ chức vào tháng 2 tới.

Các báo cáo trước đó nói rằng Mỹ sắp đưa ra tuyên bố tẩy chay khiến Bắc Kinh lên án. “Điều này làm hoen ố nghiêm trọng tinh thần của Hiến chương Olympic”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết hôm thứ Hai. “Đó là một hành động khiêu khích chính trị trần trụi và hơn thế nữa, là một hành vi xúc phạm nghiêm trọng tới 1,4 tỷ người Trung Quốc”.

Zhao cảnh báo rằng “nếu Mỹ kiên quyết đi theo con đường riêng của mình, Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp đối phó dứt khoát”. Ông không nói rõ về những hành động Trung Quốc có thể làm, nhưng kêu gọi Mỹ kiềm chế việc chính trị hóa Olympic đồng thời gợi ý rằng Bắc Kinh chưa mời các quan chức Mỹ.

Một cuộc tẩy chay ngoại giao có thể làm phức tạp nỗ lực gần đây của ông Biden và Tập. Trong cuộc điện đàm, 2 nhà lãnh đạo đã cố gắng tìm các lĩnh vực có thể hợp tác, như biến đổi khí hậu, có thể giúp ổn định mối quan hệ đang sa sút. Trung Quốc và Mỹ là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang cạnh tranh về thương mại, công nghệ, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng toàn cầu.

Căng thẳng xung quanh Olympic gia tăng thêm trong bối cảnh ảnh hưởng từ một bài đăng ngày 2/11 trên tài khoản mạng xã hội của vận động viên quần vợt Trung Quốc Peng Shuai, cáo buộc một quan chức cấp cao về hưu của chính phủ tấn công tình dục. Hiệp hội Quần vợt Nữ không thể liên lạc với Peng qua điện thoại và cho biết họ sẽ tạm dừng các sự kiện ở Trung Quốc vì lo ngại cho cô và những vận động viên khác. Ủy ban Olympic Quốc tế đã có 2 cuộc gọi điện video với cô nhưng từ chối cho biết họ có thảo luận về cáo buộc đó với Peng hay không.

Ông Biden hồi tháng trước nói rằng chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Mùa đông, bắt đầu vào tháng 2. Chính quyền của ông chịu áp lực từ các nhóm nhân quyền đòi tẩy chay, với lý do Trung Quốc giam giữ hàng loạt người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi, và dập tắt đối lập chính trị ở Hong Kong.

Tẩy chay ngoại giao nhằm gửi đi thông điệp phản đối mà không ảnh hưởng đến sự tham gia của vận động viên. Lần cuối cùng Mỹ tẩy chay hoàn toàn Olympic là Moscow vào năm 1980.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã xác nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự Olympic. Quy tắc tổ chức Olympic của Bắc Kinh buộc vận động viên và những người tham gia khác phải tự theo dõi sức khỏe và đến các địa điểm, chỗ ở và phương tiện vận chuyển được phê duyệt để tránh lây lan Covid-19. Những quy tắc đó cho phép giới chức nước ngoài tham dự Olympic mà không phải trải qua thời gian cách ly kéo dài, mà Trung Quốc áp đặt đối với những người nhập cảnh vào nước này trong đại dịch Covid-19.

1 bình luận
    Bình luận của bạn