VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Trung Quốc ngày càng tụt lại xa hơn Mỹ

Kinh tế Trung Quốc ngày càng tụt lại xa hơn Mỹ

12:49 - 06/09/2022

Các tranh chấp thương mại, căng thẳng địa chính trị và những chính sách của Trung Quốc đã làm chậm tốc độ nước này vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Triển vọng nền kinh tế Trung Quốc ngày càng u ám

Năm 2020, khi Trung Quốc phục hồi nhanh hơn so với Mỹ từ các đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo có thể vượt qua Mỹ sớm hơn dự kiến. Nhưng thực tế cho thấy tình hình đã đảo ngược.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố, chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) của nước này đã tăng lên 49,4 điểm trong tháng 8 từ mức 49,0 điểm của tháng 7 và cao hơn so với mức 49,2 điểm theo dự báo của các nhà phân tích được Reuters khảo sát. Tuy nhiên việc chỉ số này tiếp tục chạy dưới ngưỡng 50 điểm có nghĩa là sản xuất vẫn bị thu hẹp cho dù mức độ có nhỏ hơn so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cộng thêm đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn

Quý II/2022 là thời điểm Trung Quốc hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất từ đầu năm 2020. Để kiểm soát dịch, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt ở Bắc Kinh và Thượng Hải – 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Điều này tác động mạnh đến việc di chuyển và làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá nội địa.

Bên cạnh Bắc Kinh và Thượng Hải, các khu vực khác của Trung Quốc cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng do số ca nhiễm mới tăng đột biến. Chiến lược Zero-Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc cùng nhiều yếu tố khác khiến cho các nhà phân tích cho rằng nước này khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% đã đề ra và mục tiêu đuổi kịp Mỹ sẽ ngày càng xa vời.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), một tổ chức tư vấn của Anh, từng dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào 2028. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới đây, tổ chức này đã lùi thời điểm thêm 2 năm tới năm 2030.

Còn Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo nhận định việc Trung Quốc vượt qua Mỹ sẽ không thể xảy ra cho đến năm 2033, muộn hơn 4 năm so với dự báo trước đó của họ. Một số tổ chức khác thậm chí còn hoài nghi khả năng vươn lên hạng nhất của của nền kinh tế số 2 thế giới.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2021, GDP tính theo USD của Trung Quốc bằng 77% quy mô của kinh tế Mỹ, tăng từ 13% năm 2001. Các nhà nghiên cứu của Capital Economics cho rằng kịch bản khả dĩ nhất là nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở rộng lên khoảng 87% quy mô của Mỹ vào năm 2030, trước khi giảm trở lại mức 81% vào năm 2050.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho rằng dân số già và việc Chính phủ Trung Quốc ngày càng có xu hướng can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp cùng với những thách thức khác khiến đà tăng trưởng của Trung Quốc giảm đáng kể. Trước Trung Quốc, từng có những dự báo về khả năng Nhật Bản hoặc Nga sẽ vượt qua Mỹ. Tuy nhiên, những dự đoán như vậy giờ đây hoàn toàn xa vời. Và điều tương tự có khả năng cũng sẽ xảy ra với Trung Quốc.

Cần sự đột phá từ các chính sách

Một số nhà nghiên cứu cho rằng khả năng Trung Quốc vượt Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc nước này có theo đuổi các thay đổi về chính sách kinh tế hay không.

Ông Bert Hofman – Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore và từng là nhà kinh tế tại WB, nhận định Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ về GDP vào năm 2035 nếu nâng tuổi nghỉ hưu, cho phép nhiều lao động ở nông thôn di cư tới thành thị và thực hiện các bước để nâng cao năng suất lao động như chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và y tế. Ông cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không thể bắt kịp Mỹ nếu các nhà hoạch định chính sách chỉ theo đuổi những cải cách hạn chế hoặc nếu nước này rơi vào khủng hoảng nợ.

Tập đoàn tài chính Macquarie thì chỉ ra rằng GDP Trung Quốc hiện tại mới chỉ tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nghĩa là nếu muốn đạt mức tăng trưởng 5% cả năm, kinh tế Trung Quốc sẽ phải tăng tốc hơn 7% trong 2 quý còn lại của năm 2022. Điều này là không thể đạt được trừ khi có sự đột phá từ các chính sách kích thích kinh tế.

Theo ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, Trung Quốc cần nhiều biện pháp kích thích phát triển cơ sở hạ tầng hơn nữa để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ngân hàng này kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ đạt được mức 2,7% trong quý III và 4,7% vào quý IV.

Morgan Stanley ước tính tổng mức hỗ trợ cần thiết mà chính phủ Trung Quốc cần chi ra sẽ vào khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ (1.040 tỷ USD) trong năm nay, gấp gần 3 lần so với năm ngoái. Tuy nhiên, nếu chỉ riêng kích thích phát triển cơ sở hạ tầng thì chưa đủ. Để đạt được trạng thái phục hồi hoàn toàn và bền vững, Trung Quốc bắt buộc phải xem xét nới lỏng các lệnh phong tỏa của chính sách Zero-Covid.

Hiện không chỉ chịu ảnh hưởng do tiêu dùng sụt giảm, nền kinh tế Trung Quốc còn đang phải tìm cách giải quyết những rắc rối của thị trường bất động sản. Trong nửa đầu năm nay, các nhà phát triển địa ốc Trung Quốc quay cuồng trong khủng hoảng nợ khi nguồn vốn cạn kiệt và các dự án xây dựng liên tục bị trì hoãn.

Chính sách Zero-Covid của chính phủ Trung Quốc đã cản trở các hoạt động kinh tế. Những dự án xây dựng chậm tiến độ và giá nhà ở lao dốc khiến người mua nhà từ chối trả nợ. Dù chính phủ đã hỗ trợ giảm lãi suất thế chấp cho người mua nhà lần đầu, lãi suất trung bình cũng giảm tới 15 điểm cơ bản, giá nhà ở 70 thành phố lớn tại Trung Quốc vẫn giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ước tính bất động sản và các ngành liên quan chiếm tới hơn 25% GDP hàng năm của Trung Quốc, tuy nhiên, các quan chức nước này vẫn chưa có động thái rõ ràng để hỗ trợ giải quyết những vấn đề tài chính trên thị trường bất động sản. Nếu không được giải quyết, đây sẽ trở thành một rào cản lớn trong sự phục hồi của nền kinh tế của nước này.