VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ngành vận tải biển gặp khó

Ngành vận tải biển gặp khó

10:59 - 06/10/2022

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam tăng 18% trong năm nay, nhưng các doanh nghiệp vận tải biển đối mặt với giá cước giảm và thương mại có khả năng sẽ chậm lại do nguy cơ suy thoái ở các thị trường xuất khẩu chính và sự phụ thuộc vào Trung Quốc cho nguyên liệu thô.

Nhờ xuất khẩu bùng nổ, Việt Nam đang trên đà trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong năm nay. Tuy nhiên, lĩnh vực vận tải hàng hóa vẫn có thể gặp khó khăn phía trước.

Trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc, GDP của Việt Nam tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm ở tốc độ nhanh nhất trong 12 năm, và được dự báo ​​tăng trưởng 8,5% cho cả năm 2022.

Tổng giá trị xuất khẩu tăng 17,8%, lên 265,3 tỷ USD tính đến ngày 15/9, theo Bộ Công thương, kết luận rằng sự tăng trưởng này là nhờ “lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do”. Các công ty khai thác vận tải cũng nói rằng Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) đóng một vai trò lớn, với xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 20% ​​trong 8 tháng đầu năm.

Đồng thời, xuất khẩu sang Mỹ tăng 25,4% từ tháng 1 đến tháng 9. Một số nhà bình luận cho rằng động lực là việc người mua ở đây giảm đặt hàng từ Trung Quốc, nơi các chuỗi cung ứng tiếp tục gặp khó khăn dưới sức nặng của những hạn chế liên quan đến Covid.

Jan Segers – Tổng giám đốc Noatum Logistics Việt Nam – cho biết hoạt động kinh doanh vẫn tốt, mặc dù nhu cầu chung trên các thị trường vận tải đường biển giảm. Tuy nhiên, ông nói với tờ The Loadstar: “Khách hàng đang thay đổi từ giá hợp đồng dịch vụ NAC [tài khoản riêng] sang giá FAK [cước đồng hạng], vì FAK rẻ hơn giá hợp đồng của họ”.

“Mùa cao điểm từ Trung Quốc sau thời kỳ Covid và phong tỏa khá thất vọng, nên giá cước đang giảm, đặc biệt là đối với vận tải xuyên Thái Bình Dương”. Do đó, ông cho biết, việc tìm kiếm container xuất khẩu ở Việt Nam hiện “dễ dàng hơn nhiều” so với năm ngoái.

“Chúng tôi cũng nhận thấy sự thay đổi trong sản xuất và gia công từ Trung Quốc sang Việt Nam – tuy chậm nhưng phù hợp. Việt Nam sẽ không bao giờ lớn như Trung Quốc, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang không ngừng tăng lên”, ông Segers nói thêm.

Trong 9 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư nước ngoài tăng 16,2% lên 15,4 tỷ USD.

Bất chấp sự tăng trưởng thương mại tích cực, những lo ngại vẫn tồn tại về khả năng suy thoái kinh tế ở các thị trường xuất khẩu, cũng như sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc cho nguyên liệu thô. Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ hồi đầu năm, kể từ tháng 7, các nhà sản xuất hàng dệt may ghi nhận số đơn đặt hàng từ Mỹ và EU giảm.