VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Phong tỏa ở Mỹ không giúp giảm số người chết

Phong tỏa ở Mỹ không giúp giảm số người chết

17:25 - 23/07/2021

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ cho thấy các chính sách phong tỏa có liên hệ với số lượng tử vong bất thường cao hơn.

Thật khó để tưởng tượng rằng các biện pháp phong tỏa gây hại nhiều hơn là có lợi, nhưng một nghiên cứu của Mỹ xuất bản vào tháng trước đã không tìm thấy bằng chứng cho thấy phong tỏa giúp giảm số người chết. Không những thế, các biện pháp này dường như còn làm số người chết tăng lên.

“Ngược lại, chúng tôi tìm thấy mối liên hệ thuận giữa các chính sách SIP (thuật ngữ của Mỹ dành cho việc phong tỏa) và số lượng tử vong bất thường (số người chết cao hơn mức trung bình trong lịch sử)”, nghiên cứu kết luận. Tác giả của bài nghiên cứu chưa xuất bản cho Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) này là 4 nhà kinh tế và nhà khoa học từ Đại học Nam California và Rand Corporation của Mỹ. Bằng cách xem xét tổng số ca tử vong do tất cả nguyên nhân, các nhà nghiên cứu tránh các cuộc tranh luận về thế nào là tử vong vì Covid và cân nhắc tương đương những ca tử vong vì tất cả các nguyên nhân.

Các tác giả viết: “Ngay cả khi các chính sách SIP làm giảm sự lây truyền Covid-19, tác động của chúng đối với sức khỏe tổng thể là không rõ ràng, vì các chính sách SIP có thể gây ra một số hậu quả không mong muốn nghiêm trọng”. Các nhà nghiên cứu chỉ ra căng thẳng và lo lắng do cách ly xã hội, gia tăng lạm dụng ma túy và tự tử, lạm dụng trẻ em, bạo lực gia đình và các đợt khám sàng lọc ung thư bị bỏ sót.

 

Trước đó, it nhất 7 bài nghiên cứu đã được đánh giá ngang hàng không tìm ra bất kỳ mối quan hệ nào giữa phong tỏa với các ca nhiễm và tử vong của Covid-19.

“Sự gia tăng lớn nhất về tỷ lệ chết do tự sát hoặc lạm dụng ma túy trong độ tuổi từ 25 đến 44 là ở những người gốc Mỹ Latinh”, bài nghiên cứu của NBER cho thấy. Các tác giả nêu giả thuyết rằng những “cái chết trong tuyệt vọng” do tự tử hoặc lạm dụng ma túy có thể giải thích cho sự gia tăng tử vong trong nhóm tuổi không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19. Điểm mấu chốt không phải là các biện pháp phong tỏa làm chết người, mà là bằng chứng ủng hộ các biện pháp đó yếu một cách đáng kinh ngạc.

“Việc tiếp tục phụ thuộc vào các chính sách SIP để làm chậm quá trình lây nhiễm Covid-19 có thể không phải là tối ưu”, nghiên cứu nhận định.

“Toàn bộ ý tưởng về phong tỏa bắt đầu với các mô hình toán học, với giả định rằng nếu không có phong tỏa thì mọi người sẽ giữ nguyên cách sống của họ, nhưng tất nhiên là họ không làm thế”, đồng tác giả Neeraj Sood nói. “Điều thứ hai là, các mô hình này chỉ xem xét trong ngắn hạn, vì vậy chúng có xu hướng cho thấy phong tỏa ngăn chặn các ca lây nhiễm, thay vì chỉ trì hoãn chúng và với chi phí đi kèm đáng kể”.

“Chúng tôi không ước tính tác động của các chính sách SIP “lý tưởng” hay việc cải thiện sự tuân thủ các chính sách SIP, mà đánh giá tác động thực tế của các chính sách SIP đã được thực hiện”, các tác giả nhấn mạnh trong bài nghiên cứu NBER của họ.

Theo nghiên cứu này, việc phong tỏa có vẻ làm giảm tỷ lệ tử vong bất thường chỉ ở 3 quốc gia là: Úc, Malta và New Zealand.