VNReport»Kinh tế»Nhập khẩu than để phát điện của Việt Nam năm 2024 tăng 31%

Nhập khẩu than để phát điện của Việt Nam năm 2024 tăng 31%

17:08 - 11/02/2025

Nhập khẩu than nhiệt của Việt Nam trong năm 2024 tăng lên mức cao kỷ lục 44 triệu tấn.

Nhập khẩu than nhiệt (than dùng để phát điện) của Việt Nam trong năm 2024 tăng 31% lên mức cao kỷ lục 44 triệu tấn, theo công ty theo dõi tàu biển Kpler.

Mức tăng cao đó là động lực chính thúc đẩy nhập khẩu than nhiệt toàn cầu năm ngoái tăng 1% lên 1,01 tỷ tấn.

Than là nguồn điện lớn nhất của Việt Nam, và nhu cầu điện ở nước ta tăng mạnh do sự bùng nổ của lĩnh vực sản xuất, thúc đẩy lượng nhập khẩu và tiêu thụ than tăng vọt.

Tốc độ tăng trưởng lượng nhập khẩu than của Việt Nam năm 2024 vượt xa mức tăng 11% của Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới.

Than là nguồn phát điện lớn nhất của Việt Nam.

Than là nguồn phát điện lớn nhất của Việt Nam.

Mức tiêu thụ than của Việt Nam đang trên đà tăng tiếp, vì công suất điện than của cả nước sẽ tăng thêm 15% sau khi các dự án đang xây dựng được hoàn thành.

Theo Ember, các nhà máy điện than sản xuất một nửa lượng điện của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 và đây là tỷ lệ điện than cao nhất kể từ năm 2020.

Sản lượng điện than tăng 17% so với 10 tháng đầu năm 2023 và giúp thúc đẩy tổng nguồn cung điện tăng 10% trong năm lên đỉnh cao mới.

Trong tổng công suất phát điện lắp đặt hiện tại khoảng 70 GW, than chiếm phần lớn nhất với khoảng 39%, tương đương 27,24 GW, theo Global Energy Monitor.

Thủy điện chiếm phần lớn thứ hai là 21% (14,75 GW), trong khi điện mặt trời chiếm khoảng 19% (13,1 GW). Các nhà máy điện khí và dầu chiếm khoảng 12% (8,15 GW) và điện gió chiếm 9% (6,5 GW).

Có khoảng 11,6 GW công suất phát điện mới đang được xây dựng tại Việt Nam, bao gồm điện than và điện khí đều dự kiến ​​tăng khoảng 4 GW. Còn lại là điện mặt trời, điện gió và thủy điện, theo Global Energy Monitor.

Do điện than và điện khí chiếm khoảng 70% tổng công suất đang xây dựng nên tỷ trọng điện phát bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng từ khoảng 51% hiện tại lên 53,3%.

Nhu cầu năng lượng

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 5,6%/năm kể từ năm 2018, cao nhất ở Đông Nam Á trong giai đoạn đó.

Chìa khóa của thành công này là việc chuyển dịch mạnh mẽ các chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đến những địa điểm chi phí thấp khác kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, việc ngành sản xuất hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ trong tiêu thụ năng lượng, đòi hỏi các công ty điện lực phải tăng nguồn cung điện bằng mọi cách.

Theo Ember, tổng nhu cầu điện của Việt Nam đã tăng 27% từ năm 2018 đến năm 2023. Tốc độ đó vượt mức tăng 23% ở Indonesia, 12% ở Philippines và trên toàn cầu trong cùng kỳ.

Việc tiêu thụ điện gia tăng không ngừng gây ra tình trạng mất điện trong các đợt nắng nóng hồi năm 2023, khi nhu cầu làm mát tăng vọt.

Sự phụ thuộc nhiều hơn vào than đá phản ánh ưu tiên của các nhà cung cấp điện về sự ổn định và chi phí, khi họ lấy việc tăng sản lượng làm mục tiêu hàng đầu.

Quy hoạch Điện VIII kêu gọi giảm tỷ trọng điện từ nhiên liệu hóa thạch và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo từ năm 2030. Nhưng trong tương lai gần, than dự kiến vẫn là loại nhiên liệu ưu tiên của Việt Nam.