VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Nhiều tổ chức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nhiều tổ chức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

13:21 - 14/06/2023

Nhu cầu kém đối với hàng xuất khẩu, khủng hoảng bất động sản và gần đây là mất điện gây khó khăn lên nền kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm xuất khẩu kém và lĩnh vực bất động sản đóng băng. Những đợt mất điện thường xuyên gần đây càng làm gia tăng lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trong những năm gần đây, GDP của Việt Nam tăng 8% trong năm 2022, khi các công ty đa quốc gia coi đất nước như một cơ sở sản xuất thay thế cho Trung Quốc.

Nhưng dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế đang chậm lại rõ ràng. Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm 11,6% về xuất khẩu, 17,9% về nhập khẩu và 2,5% về sản xuất so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng GDP giảm từ mức 5,9% trong quý IV/2022 xuống còn 3,3% trong quý I/2023.

Dữ liệu GDP quý II – dự kiến công bố vào cuối tháng này – sẽ cung cấp thêm thông tin về mức độ chậm lại của nền kinh tế.

Nhiều tổ chức đã hạ triển vọng kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng Standard Chartered hiện dự đoán GDP của Việt Nam tăng 6,5% trong năm nay – bằng với mục tiêu của Chính phủ và giảm so với dự báo 7,2% trước đó. Oxford Economics, một công ty nghiên cứu kinh tế – vốn đã dự báo mức tăng trưởng tương đối yếu là 4,2% – gần đây điều chỉnh xuống còn 3,0%.

Công ty Chứng khoán MayBank cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam xuống 4% từ 5,5% trước đó. Chứng khoán Rồng Việt cho rằng khả năng đạt được tăng trưởng 5% trong năm nay là khó.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam từ 6,2% (hồi cuối năm 2022) xuống 5,8%. Trong báo cáo mới nhất công bố vào tháng 3, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,3%.

Xuất khẩu và sản xuất lao dốc khi nhu cầu cho hàng hóa từ Việt Nam giảm ở những thị trường tiêu thụ trọng điểm Châu Âu và Bắc Mỹ – nơi mà mua sắm trực tuyến giảm sau khi kết thúc phong tỏa Covid, và lạm phát cao và lãi suất tăng ảnh hưởng đến tiêu dùng. Việc Trung Quốc – một thị trường trọng điểm khác – mở cửa trở lại chưa có tác động thúc đẩy kinh tế Việt Nam như hy vọng, mặc dù chuỗi cung ứng và du lịch đang trở lại bình thường.

“Chúng tôi đã hơi quá lạc quan vào đầu năm”, theo một giám đốc ở hãng giày Biti’s – đang đối mặt với nhu cầu nước ngoài thấp. “Mọi người đều đang lo lắng vào lúc này”, cô nói và cho biết thêm ngay cả số đơn đặt hàng trong nước cũng chậm lại.

Nhu cầu yếu của nước ngoài “vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng”, trong đó Việt Nam “đặc biệt nhạy cảm với sự chậm lại của kinh tế Mỹ”, khi nước này mua 30% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, theo ngân hàng HSBC.

“Với kỳ nghỉ hè đang đến gần và khả năng nới lỏng hạn chế về thị thực, đang được Quốc hội xem xét, Việt Nam có thể sẽ nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn từ du lịch quốc tế, một động lực hỗ trợ rất cần thiết cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại”, chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC và cộng sự Jun Takazawa cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

Tuy nhiên, “Việt Nam vẫn chưa thoát khó khăn”, ngân hàng cho biết thêm. “Không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Việt Nam sắp chạm đáy trong bối cảnh tăng trưởng gặp nhiều trở ngại”.

Ngoài rủi ro từ nước ngoài, cũng có những rủi ro trong nước, bao gồm năng lượng. Việc mất điện thường xuyên gần đây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy ở miền Bắc. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có nguy cơ dừng hoạt động vì không đạt thỏa thuận tái cấu trúc nợ, có thể khiến nguồn cung xăng dầu trong nước bị thắt chặt.

Hoạt động bất động sản vẫn chưa hồi phục sau khi một loạt các đại gia trong ngành bị bắt giữ vào năm ngoái với những cáo buộc bao gồm vi phạm về trái phiếu, gây lo lắng cho nhà đầu tư và thắt chặt nguồn tài chính cho các doanh nghiệp trong ngành.

Đầu tư từ nước ngoài cũng đi xuống. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký từ đầu năm đến ngày 20/5 là 10,86 tỷ USD, thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm trước.

Khi những lo lắng kinh tế khiến các công ty khó đảo nợ, gần một nửa trong số 250.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 3 quý cuối năm 2023 có nguy cơ vỡ nợ, trong đó hơn 80% là bất động sản, theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm VIS.

Tháng trước, trong một diễn đàn ở Tokyo, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói rằng kinh tế Việt Nam sẽ thấy lợi ích thực sự từ đầu tư công trong quý cuối năm 2023, bất chấp áp lực từ lãi suất toàn cầu tăng. “Chúng tôi đang đẩy mạnh đầu tư cho khu vực công … để bù đắp một số lĩnh vực mà khu vực tư nhân không đảm đương được”, ông Quang nói.