VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Nhu cầu thép sụt giảm do xây dựng đóng băng

Nhu cầu thép sụt giảm do xây dựng đóng băng

16:38 - 24/01/2023

Xây dựng đóng băng do thị trường bất động sản trì trệ, đẩy ngành thép Việt Nam vào một giai đoạn nhiều khó khăn.

Ngành thép Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn khi lĩnh vực bất động sản trì trệ bóp nghẹt nhu cầu xây dựng các tòa nhà mới.

Tập đoàn Hòa Phát – nhà sản xuất thép lớn nhất cả nước – phải tạm dừng hoạt động 4 lò cao vào cuối năm ngoái. Các nhà sản xuất thép khác sử dụng lò điện cũng buộc phải cắt giảm mạnh sản lượng. “Chúng tôi nhận thấy tình hình cuối cùng đã chạm đáy, nhưng vẫn tồi tệ”, một giám đốc điều hành trong ngành cho biết. “Chúng tôi khó nhận thấy sự phục hồi ít nhất cho đến giữa năm 2023”.

Tỷ lệ vận hành tại các nhà sản xuất sử dụng lò điện ở miền Nam bắt đầu giảm vào khoảng tháng 9/2022. Nhiều nhà máy trong số này được cho là đang hoạt động dưới 50% công suất và một số đã sa thải nhân viên. Tổng doanh thu của 3 nhà sản xuất thép lớn nhất – Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim – giảm 25% trong quý III so với một năm trước đó, do cả giá bán và sản lượng thép đều giảm.

Nhu cầu thép xây dựng xuống thấp buộc các nhà sản xuất thép phải cắt giảm mạnh sản lượng.

Nhu cầu thép xây dựng xuống thấp buộc các nhà sản xuất thép phải cắt giảm mạnh sản lượng.

Kể từ tháng 11, Hòa Phát đã tạm dừng khai thác gang lỏng từ 2 trong số 4 lò đang hoạt động tại nhà máy thép Dung Quất. Công ty cũng tạm dừng khai thác tại một lò cao ở tỉnh Hải Dương. Do đó, 3 trong số 7 lò cao của Hòa Phát hiện không sản xuất thép. Lò cao được thiết kế để chạy hết công suất suốt ngày đêm. Việc tạm dừng hoạt động có thể gây hư hỏng và mất thời gian để khởi động lại.

Bất chấp chi phí cắt giảm hoạt động rất lớn, Hòa Phát vẫn quyết định “cầm máu”, theo một lãnh đạo công ty. Kết quả là, sản lượng thép thô của công ty trong tháng 11 giảm 43% so với một năm trước đó xuống còn khoảng 380.000 tấn. Sản lượng trong 11 tháng đầu năm ngoái giảm 6% so với cùng kỳ xuống còn khoảng 7 triệu tấn chủ yếu do sản lượng bị cắt giảm mạnh trong vài tháng qua.

Hòa Phát lỗ ròng 2 quý liên tiếp để kết thúc năm 2022. Đây là những quý lỗ ròng đầu tiên của công ty kể từ quý IV/2008, trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đầu năm ngoái, chiến tranh Nga-Ukraine khiến cân bằng cung cầu trên thị trường thép Việt Nam thắt chặt. Khi đó, các nhà sản xuất thép trong nước khó đáp ứng đủ nhu cầu dù hoạt động hết công suất. Nhưng tình hình đã thay đổi nhiều kể từ đó.

Lĩnh vực bất động sản chứng kiến sự phanh phui hàng loạt các giao dịch bất hợp pháp có liên quan trên thị trường tài chính và thị trường vốn. Tháng 3 năm ngoái, Trịnh Văn Quyết – chủ tịch tập đoàn bất động sản và nghỉ dưỡng FLC – bị bắt vì tình nghi thao túng thị trường chứng khoán. Không lâu sau, Đỗ Anh Dũng – chủ tịch nhà phát triển bất động sản Tân Hoàng Minh – bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến 10.000 tỷ đồng trái phiếu ở 3 công ty con. Những vụ việc này khởi đầu cho sự suy thoái trên thị trường bất động sản.

Tình hình xấu hơn nữa vào tháng 10 khi Trương Mỹ Lan – nhà sáng lập kiêm chủ tịch của công ty phát triển bất động sản Vạn Thịnh Phát – bị bắt giam cùng với 3 giám đốc điều hành khác của công ty. Điều này làm dấy lên lo lắng lan rộng về sức khỏe tài chính của các công ty bất động sản. Ngoài ra, quá trình cấp phép phát triển các dự án đang chậm trễ, khiến một loạt dự án chung cư và cơ sở hạ tầng bị trì hoãn.

Thị trường bất động sản Trung Quốc – nơi tiêu thụ khoảng 60% sản lượng thép toàn cầu – cũng đang suy yếu. Trong bối cảnh dư thừa công suất ở Trung Quốc, sản phẩm thép giảm giá của Trung Quốc tràn ngập các thị trường Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam, giáng thêm một đòn mạnh vào các nhà sản xuất trong nước.

Giá các sản phẩm thép đã lao dốc. Giá chào bán thép cuộn cán nóng – được sử dụng rộng rãi trong ô tô và thiết bị điện – rơi vào khoảng 600 USD/tấn vào cuối tháng 12, giảm từ khoảng 950 USD vào quý II/2022. Mặt khác, giá nguyên vật liệu cho sản xuất thép như than luyện cốc cho lò cao, thép phế cho lò điện không giảm mạnh như giá thép. Điều này đang gây thêm căng thẳng cho lợi nhuận của các nhà sản xuất thép Việt Nam.

Một tin tốt là Trung Quốc đang dỡ bỏ các hạn chế hà khắc về Covid-19, và giá thép ở Trung Quốc đang bắt đầu phục hồi do loại bỏ được những tắc nghẽn trong phân phối và kỳ vọng nhu cầu phục hồi. Trong một báo cáo công bố vào tháng 12, Chứng khoán VNDirect chỉ ra một số tín hiệu cải thiện trong ngành thép, khi nhiều giám đốc điều hành trong ngành kêu gọi mở rộng ngân sách để đẩy nhanh các dự án công.