VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»OECD: Kinh tế thế giới về mức trước đại dịch vào năm 2022

OECD: Kinh tế thế giới về mức trước đại dịch vào năm 2022

09:22 - 02/06/2021

OECD dự báo GDP toàn cầu tăng 5,8% trong năm nay và 4,4% trong năm sau.

Triển vọng sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp các chính phủ có thêm thời gian để chuyển từ các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp bao trùm sang các biện pháp có mục tiêu cụ thể hơn, tập trung vào đầu tư, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết.

Tổ chức có trụ sở tại Paris dự báo sản lượng toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo 4,2% được đưa ra vào tháng 12. Cơ quan này cho biết thêm rằng mức tăng trưởng 4,4% trong năm sau sẽ đưa hầu hết thế giới trở lại quy mô trước đại dịch.

Tuy nhiên, OECD cũng cảnh báo rằng sự phục hồi sẽ không đồng đều và mức sống ở nhiều nền kinh tế phát triển vẫn sẽ thiếu hụt so với mức dự kiến ​​trước đại dịch.

Các dự báo mới cho thấy ở Mỹ, nhờ vào kích thích tài khóa và các chương trình tiêm vắc xin COVID-19, sản lượng kinh tế vào cuối năm 2022 sẽ cao hơn một chút so với mức mà OECD đã dự báo ​​vào tháng 11/2019.

Dự báo mới của OECD cho biết sản lượng kinh tế Mỹ cuối năm 2022 sẽ cao hơn mức dự báo trước đó thực hiện vào cuối năm 2019.

Dự báo mới của OECD cho biết sản lượng kinh tế Mỹ cuối năm 2022 sẽ cao hơn mức dự báo trước đó thực hiện vào cuối năm 2019.

Điều này cũng đúng với Trung Quốc và ở một mức độ thấp hơn là Đức. Nhưng sản lượng ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào du lịch, sẽ thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Sự thiếu hụt sẽ còn lớn hơn ở các thị trường mới nổi: sản lượng ở Ấn Độ sẽ thấp hơn gần 10% so với dự báo vào tháng 11/2019.

Về lâu dài, thiệt hại đối với năng lực sản xuất của nền kinh tế có thể sẽ tồi tệ nhất đối với các nước G7, đặc biệt là Anh, nơi hậu quả của đại dịch sẽ đi kèm với Brexit, OECD cho biết.

Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD cho biết: “Khi các quốc gia chứng kiến triển vọng khả quan hơn, sẽ rất nguy hiểm nếu tin rằng các chính phủ đã làm đủ để thúc đẩy tăng trưởng lên một hướng cao hơn và tốt hơn”.

Bà nói thêm, các biện pháp hỗ trợ mà nhiều quốc gia đã cung cấp cho các doanh nghiệp và hộ gia đình đã giúp bảo vệ thu nhập của người dân và hạn chế thiệt hại cho nguồn cung của các nền kinh tế.

Nhưng cuộc khủng hoảng đã nhấn mạnh hơn nữa nhu cầu cải thiện hệ thống y tế và giáo dục, đồng thời tài trợ cho chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi khí hậu. Khi một số lĩnh vực mở cửa trở lại, trong khi những lĩnh vực khác vẫn bị hạn chế, các biện pháp hỗ trợ nên nhắm vào các mục tiêu cụ thể hơn và “nên tập trung vào đầu tư”, Boone nói.

Rủi ro lớn nhất đối với các dự báo lạc quan của OECD nằm ở việc không đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin COVID đến được các quốc gia mới nổi và có thu nhập thấp. “Chi phí kinh tế và xã hội toàn cầu của việc duy trì các biên giới khép kín vượt xa chi phí cung cấp rộng rãi hơn vắc xin, xét nghiệm và vật tư y tế”, Boone nói.

Một nỗi lo khác là mức nợ cao của các công ty vừa và nhỏ, đặc biệt là ở các quốc gia châu Âu đã hỗ trợ chủ yếu cho các doanh nghiệp thông qua các khoản vay, thay vì trợ cấp không hoàn lại. OECD cho biết một cách tiếp cận có thể là chuyển một số khoản vay liên quan đến đại dịch thành các khoản tài trợ, với việc hoàn trả có điều kiện dựa trên kết quả kinh doanh và đánh giá thường xuyên về khả năng hoàn trả.

Boone lạc quan hơn về rủi ro của các chính sách tiền tệ mở rộng – đặc biệt là ở Mỹ – thúc đẩy lạm phát cao liên tục. Giá có thể tăng trong ngắn hạn, OECD thừa nhận, do tắc nghẽn tại các cảng và nút tắc cổ chai (bottleneck) trong một số lĩnh vực đang mở cửa trở lại nhanh chóng.

Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng thị trường lao động vẫn còn trì trệ sẽ khiến mức lương được kiểm soát, với tỷ lệ việc làm dự kiến mức thấp hơn tỷ lệ trước khủng hoảng ở đa số các quốc gia thuộc OECD vào cuối năm 2022.