VNReport»Kinh tế»Tài chính»“Ngân hàng Nhà nước có thể nới thêm biên độ tỷ giá”

“Ngân hàng Nhà nước có thể nới thêm biên độ tỷ giá”

17:10 - 26/10/2022

Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ cho phép giao dịch ngoại tệ từ 3% lên 5% vào ngày 17/10, và đang cân nhắc các biện pháp khác để hỗ trợ tiền đồng mà không làm cạn kiệt dự trữ ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị nới lỏng thêm ràng buộc đối với tỷ giá USD/VND, bao gồm việc có thể tăng biên độ tỷ giá một lần nữa, để bảo vệ kho dự trữ ngoại tệ của mình, theo một nguồn tin của Reuters biết trực tiếp về vấn đề này.

Tiền đồng đã giảm giá 8% trong năm nay, chịu áp lực bởi dòng vốn ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát ở nước này.

Trong năm nay, NHNN can thiệp bằng cách bán USD từ kho dự trữ ngoại tệ để bảo vệ đồng nội tệ. Công ty Chứng khoán ACB ước tính NHNN đã bán khoảng 20 tỷ USD từ đầu năm.

Biên độ tỷ giá là giới hạn xoay quanh tỷ giá trung tâm hàng ngày mà NHNN cho phép các ngân hàng thương mại giao dịch ngoại tệ. Lần gần đây nhất mà NHNN nới rộng biên độ là vào ngày 17/10, tăng lên 5% từ mức 3%. Tác dụng trên thực tế của động thái này là cho phép các ngân hàng thương mại tăng mạnh giá giao dịch USD.

Vào chiều thứ Tư, giá bán USD ở Vietcombank là 24.882 đồng – mức cao nhất trong biên độ được cho phép. Trên thị trường tự do, giá bán USD cao kỷ lục ở mức 25.370 đồng.

Giá USD trong nước tăng lên mức kỷ lục trong tháng 10.

Giá USD trong nước tăng lên mức kỷ lục trong tháng 10.

Nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết Việt Nam sẵn sàng chấp nhận mức giảm giá thêm 1-1,5% từ nay đến cuối năm. Một khả năng là mở rộng biên độ – cho phép thị trường đẩy giá tiền đồng xuống thấp hơn mà không kích hoạt bán ra quá nhiều dự trữ ngoại hối, nguồn tin cho biết. Ông cho biết rằng NHNN cũng đang thảo luận các biện pháp khác để hỗ trợ tiền đồng mà không làm cạn kiệt dự trữ ngoại tệ.

Thời điểm của những động thái này vẫn đang được xem xét, nhưng có khả năng diễn ra sau cuộc họp của Fed vào tuần tới, khi mà họ dự kiến ​​thực hiện một đợt tăng lãi suất quy mô lớn nữa. “Biện pháp chính để NHNN ổn định tiền đồng vẫn là bán USD và mua vào tiền đồng, nhưng hiện tại NHNN không có vị thế tốt để thực hiện điều đó”, nguồn tin cho biết.

NHNN không có bình luận gì về khả năng nới biên độ giao dịch và cho biết sẽ liên hệ với các cơ quan liên quan.

Cho đến tháng 9, tiền đồng là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực, khi nền kinh tế ghi nhận quý III tăng trưởng mạnh mẽ và xuất khẩu vững chắc cung cấp nguồn ngoại tệ dồi dào cho các nhà hoạch định chính sách. Nhưng đồng nội tệ đã giảm 4% so với USD trong tháng 10, kém hơn so với các nước láng giềng ở châu Á.

Không giống như các thị trường mới nổi khác, NHNN mới chỉ bắt đầu tăng lãi suất trong những tuần gần đây để chống lạm phát. Cơ quan này đã tăng lãi suất điều hành 2 lần trong khoảng 1 tháng gần đây. “Phản ứng của Việt Nam đối với tình hình toàn cầu không được nhanh chóng. Đó là lý do tại sao tiền đồng chịu rất nhiều áp lực”, nguồn tin cho biết.

Nguồn tin nói rằng NHNN đang cố gắng tiết kiệm USD của mình vì dự trữ ngoại hối đã giảm xuống mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là ít nhất 3 tháng nhập khẩu. Theo một báo cáo của Fitch Solutions trích dẫn dữ liệu của IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm đáng kể kể từ đầu năm, từ mức đỉnh 112,2 tỷ USD vào tháng 1 xuống 94,5 tỷ USD vào tháng 8.

Trong tháng 11, dự kiến​ sẽ có khoảng 2 tỷ USD dòng vốn đầu tư nước ngoài dưới dạng các hợp đồng cho vay hiện có. Điều này có thể làm giảm áp lực lên tiền đồng.

“Chúng tôi tin rằng cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa để ổn định tình hình”, theo Mohamed Faiz Nagutha – nhà kinh tế khu vực ASEAN của Bank of America Securities. “Điều này có thể sẽ diễn ra dưới hình thức một đợt phá giá tiền đồng trên thực tế khác … và/hoặc tăng lãi suất hơn nữa”.

“Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực trong trung hạn đối với Việt Nam, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần rút ra bài học quan trọng từ tình hình hiện nay để hiện đại hóa chế độ chính sách tiền tệ và tạo điều kiện cho tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn hoạt động như một phương tiện giảm sốc”.