VNReport»Kinh tế»Tài chính»SPAC là gì? Giải thích cách mà VinFast định dùng để niêm yết ở Mỹ

SPAC là gì? Giải thích cách mà VinFast định dùng để niêm yết ở Mỹ

11:51 - 15/05/2023

Thay vì IPO thông thường, một số công ty sử dụng SPAC để niêm yết trên sàn chứng khoán, nhằm đơn giản hóa các vấn đề về thủ tục.

Tuần trước, VinFast thông báo dự định niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua một công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC). Đây là một phương thức niêm yết khác với phát hành công khai lần đầu (IPO), đã xuất hiện từ thập niên 1990 nhưng nổi lên mạnh trong những năm gần đây.

SPAC nổi lên mạnh trong những năm gần đây.

SPAC nổi lên mạnh trong những năm gần đây.

SPAC là một lựa chọn phổ biến với các công ty khởi nghiệp ở châu Á muốn niêm yết tại Mỹ. Ví dụ, năm 2021, Grab đã niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq thông qua cách này.

SPAC là gì?

SPAC là công ty với mục đích duy nhất là huy động vốn để mua lại hoặc sáp nhập với một công ty hiện có. Vì công ty không có hoạt động thương mại nào, nên SPAC cũng thường được gọi là “công ty séc trắng”.

SPAC đã xuất hiện từ thập niên 1990, nhưng mức độ phổ biến của chúng tăng mạnh trong thời kỳ tiền tệ siêu nới lỏng vào năm 2020-2021. Năm 2020, 247 SPAC được tạo ra với 80 tỷ USD và vào năm 2021, có kỷ lục 613 SPAC với giá trị 162,5 tỷ USD được tạo ra. Năm ngoái, khi chính sách tiền tệ bắt đầu thắt chặt, thị trường SPAC cũng kém sôi động đi khi chỉ có 86 công ty được tạo ra với giá trị 13,4 tỷ USD.

SPAC hoạt động thế nào?

Khi thành lập, SPAC sẽ IPO trên sàn chứng khoán để huy động vốn nhằm sáp nhập một công ty trong tương lai. Trong quá trình này, SPAC không công bố mục tiêu sáp nhập, dù đã biết hay chưa biết mình sẽ sáp nhập công ty nào.

Số tiền mà SPAC huy động sẽ được đặt trong một tài khoản tín thác có lãi suất, không được phép giải ngân ngoại trừ để hoàn tất một thương vụ sáp nhập. Trong trường hợp không hoành thành được thương vụ sáp nhập nào sau một khoảng thời gian quy định (thường là 2 năm), tiền sẽ được trả lại cho nhà đầu tư và SPAC đóng cửa.

Grab từng niêm yết ở Mỹ thông qua một SPAC.

Grab từng niêm yết ở Mỹ thông qua một SPAC.

Trong quy trình IPO truyền thống, công ty muốn niêm yết sẽ công bố ý định IPO, rồi tiết lộ thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh. Sau đó, nhà đầu tư trả tiền cho công ty để mua cổ phiếu của nó.

SPAC đảo ngược quy trình này. Đầu tiên, nhà đầu tư góp tiền cho SPAC mà không biết mình sẽ đầu tư cho công ty nào. SPAC sau đó IPO trên sàn chứng khoán và tìm một công ty để sáp nhập. Sau khi sáp nhập, công ty mục tiêu sẽ được niêm yết và nhận số tiền mà các nhà đầu tư đã góp vào SPAC.

Ưu điểm của SPAC

Ưu điểm lớn nhất của SPAC là thủ tục dễ dàng hơn nhiều. Trong quy trình IPO truyền thống, công ty muốn niêm yết phải công bố rất nhiều thông tin về hoạt động kinh doanh của mình để được cơ quan quản lý cho phép. Một công ty SPAC – vì bản chất chỉ là một khối tiền – rất dễ niêm yết trên sàn chứng khoán.

Một quy trình SPAC thường chỉ mất vài tháng để thực hiện, trong khi IPO thông thường mất từ 6 tháng đến hơn 1 năm.

Ngoài ra, vì SPAC chỉ có một khoảng thời gian nhất định để sáp nhập, công ty mục tiêu có thể thương lượng giá cao hơn khi bán cổ phần cho SPAC. Nếu SPAC được tài trợ bởi các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, công ty mục tiêu cũng có thể hưởng lợi từ khả năng quản lý và tiếng tăm trên thị trường của họ.

Rủi ro của SPAC

Vì mức độ giám sát quy định của SPAC thấp hơn so với IPO thông thường, nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro cao hơn khi đầu tư vào SPAC. Điều này khiến cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ thắt chặt quy định với SPAC vào năm 2021 – một trong những nguyên nhân khiến loại hình này kém phổ biến hơn trong năm 2022.

Sau khi sáp nhập, cổ phiếu của các công ty niêm yết bằng SPAC thường đạt lợi suất kém. Tháng 9/2021, các chuyên gia tại Goldman Sachs thống kê rằng sau khi sáp nhập 6 tháng, một SPAC trung bình có lợi suất kém hơn 42 điểm phần trăm so với thị trường. Ví dụ, cổ phiếu của Grab giảm giá mạnh sau khi niêm yết vào ngày 2/12/2021 và mất khoảng 80% giá trị nửa năm sau đó.

Cổ phiếu của Grab giảm sâu sau khi niêm yết vào tháng 12/2021.

Cổ phiếu của Grab giảm sâu sau khi niêm yết vào tháng 12/2021.

Một rủi ro khác là ngay cả khi SPAC xác định được mục tiêu sáp nhập, giao dịch sáp nhập có thể không thực hiện thành công. Năm 2022, có hơn 55 thương vụ SPAC trị giá hàng chục tỷ USD bị hủy, với 65 SPAC ngừng hoạt động hoàn toàn.

Một thương vụ SPAC có thể thất bại vì nhiều lý do. SPAC có thể không kịp tìm được mục tiêu mua lại phù hợp. SPAC có thể không thỏa thuận được các điều khoản có lợi hoặc không huy động đủ vốn cho việc mua lại. Cuối cùng, SPAC có thể thất bại nếu thương vụ không được cổ đông của SPAC hoặc cơ quan quản lý chấp thuận.

Các ví dụ về SPAC

Grab – một trong những startup lớn nhất ở Đông Nam Á – niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua một SPAC có tên Altimeter Growth. Thương vụ này giúp công ty có trụ sở tại Singapore huy động được 4,5 tỷ USD và đạt định giá 40 tỷ USD, mặc dù định giá công ty hiện chỉ còn hơn 12 tỷ USD vì giá cổ phiếu giảm mạnh sau khi niêm yết.

SPAC cũng là phương thức niêm yết khá phổ biến đối với các startup xe điện. Tháng 7/2021, Lucid sáp nhập với Churchill Capital Corp IV và niêm yết trên sàn Nasdaq, huy động 2,07 tỷ USD.

Tuần trước, VinFast công bố dự định sáp nhập với SPAC có tên Black Spade Acquisition để niêm yết tại sàn NYSE. Dựa theo định giá hiện tại của Black Spade Acquisition, VinFast có thể huy động được hơn 200 triệu USD. Hãng ô tô điện dự định bán khoảng 1% công ty, đạt định giá 23 tỷ USD.