VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Dân số thế giới tăng chậm

Dân số thế giới tăng chậm

09:54 - 12/07/2022

Dân số toàn cầu tăng dưới 1%/năm trong các năm 2020 và 2021, giảm ở châu Âu và tăng chậm lại ở các khu vực khác.

Trong các năm 2020 và 2021, dân số toàn cầu tăng dưới 1%/năm lần đầu tiên kể từ những năm ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với tổng dân số châu Âu thu hẹp quy mô, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc.

Dân số của 61 quốc gia được dự báo giảm ít nhất 1% từ năm 2022 đến năm 2050. Tỷ lệ sinh thấp kết hợp với y tế tốt hơn sẽ đẩy nhanh quá trình già hóa của xã hội.

Khi các số liệu được công bố trong báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới của Liên Hợp Quốc, António Guterres – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ­– tập trung vào lợi ích của y tế hơn là việc mức sinh giảm và ca ngợi “những tiến bộ trong y tế đã kéo dài tuổi thọ và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em”. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi gia tăng ở nhiều quốc gia được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tài chính công, đồng thời đang đặt ra những thách thức chính trị ngày càng lớn.

Dân số châu Âu đang giảm và được dự báo tiếp tục thu hẹp cho đến năm 2100.

Dân số châu Âu đang giảm và được dự báo tiếp tục thu hẹp cho đến năm 2100.

Bất chấp tốc độ tăng trưởng chậm lại, dân số toàn cầu vẫn được dự báo đạt mốc 8 tỷ người trong năm nay. Trong khi đó, vào năm tới, Ấn Độ được dự đoán vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất. Dân số thế giới dự kiến sẽ đạt đỉnh vào những năm 2080 ở mức 10,4 tỷ và sau đó bắt đầu giảm – mức giảm đầu tiên được dự báo trong báo cáo hàng năm của Liên Hợp Quốc.

Dân số châu Âu giảm 744.000 người vào năm 2020 và giảm 1,4 triệu vào năm ngoái – mức giảm lớn nhất so với bất kỳ châu lục nào kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1950, phản ánh sự gia tăng số người chết, giảm số lượng sinh và tỷ lệ nhập cư ròng thấp hơn liên quan đến đại dịch.

Tuy nhiên, đại dịch “không phải là yếu tố chính”, John Wilmoth – giám đốc bộ phận dân số của phòng kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc ­– cho biết. Tỷ lệ sinh “khá thấp ở hầu hết các nước châu Âu trong nhiều thập kỷ và điều đó có nghĩa là không có nhiều người trẻ tuổi”, ông nói. Dân số Châu Âu dự kiến ​​tiếp tục giảm cho đến năm 2100, với Đức và các nước khác tham gia xu hướng đã được thiết lập ở các nước Đông và Nam Âu như Ba Lan và Ý.

2/3 công dân toàn cầu sống ở một quốc gia có tỷ lệ sinh dưới 2,1 trẻ em trên một phụ nữ ­– mức cần thiết để dân số duy trì ổn định nếu tỷ lệ tử vong thấp.

Charles Goodhart – giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế London và đồng tác giả của cuốn sách The Great Demographic Reversal (tạm dịch: Sự đảo ngược nhân chủng học lớn) – cho biết ở các nước có dân số giảm, “trừ khi có một phép màu về năng suất, thì tăng trưởng kinh tế tổng thể sẽ giảm”.

Ở châu Á, dân số Nhật Bản đã thu hẹp kể từ năm 2010, Hàn Quốc giảm vào năm 2020 và Trung Quốc được dự báo tương tự trong năm nay. Dân số Trung Quốc được cho là sẽ giảm khoảng 6 triệu mỗi năm vào giữa những năm 2040 và giảm 12 triệu mỗi năm vào cuối những năm 2050 – mức giảm lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

“Nếu bạn nhìn vào bản đồ thế giới của các nước sắp giảm quy mô dân số, về cơ bản, nó bắt đầu từ trung tâm châu Âu và đi về phía đông tới Nhật Bản qua Nga và Trung Quốc”, ông Wilmoth nói.

Châu Phi vượt qua Châu Á vào năm 2020 để trở thành nguồn gia tăng dân số chính. Liên Hợp Quốc báo cáo rằng hơn một nửa mức tăng dự kiến ​​đến năm 2050 tập trung ở 8 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi – nơi tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng đe dọa các mục tiêu phát triển. Vào giữa thế kỷ này, Nigeria được dự báo sẽ đông dân như Mỹ, thu hẹp khoảng cách 121 triệu người hiện tại.

“Sự già hóa và thu hẹp của dân số trong độ tuổi lao động ảnh hưởng chủ yếu đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia”, Martina Lizarazo López tại Bertelsmann Stiftung – một viện nghiên cứu có trụ sở tại Đức – cho biết.

Các chuyên gia nói rằng năng suất tăng, tự động hóa và tuổi làm việc lâu hơn có thể giúp giảm tác động của già hóa dân số.

Trên toàn cầu, dự báo có hơn 1 tỷ người trên 65 tuổi và 210 triệu người trên 80 tuổi vào năm 2030, gấp đôi con số năm 2010. Người cao tuổi hiện chiếm khoảng 1/4 dân số ở nhiều nước bao gồm Nhật Bản, Ý và Đức.

Joshua Wilde ­– nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Max Planck của Đức – cho biết nếu tỷ lệ sinh giảm xuống mức khiến dân số giảm thì “điều đó thực ra là tuyệt vời vì bạn có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao hơn”. Nhưng “về lâu dài”, ông chỉ ra, “tất cả những người lao động đang tạo ra thu nhập bình quân đầu người sẽ nghỉ hưu và họ sẽ cần lương hưu, họ sẽ cần chăm sóc y tế”.