VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tháng 3, doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất trong 10 tháng

Tháng 3, doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất trong 10 tháng

14:13 - 05/04/2023

Nghị định 08/2023 cho thấy hiệu quả trong việc “phá băng” thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ trong tháng 3 với giá trị phát hành lớn gấp nhiều lần 2 tháng đầu năm, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 3, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành 26.425 tỷ đồng. Đây là mức giá trị phát hành lớn nhất kể từ tháng 6/2022. Con số của tháng 3 cũng lớn gấp 12 lần so với tổng giá trị phát hành trong 2 tháng đầu năm.

Trong số 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 3, có 10 đợt phát hành riêng lẻ. Đợt phát hành ra công chúng duy nhất đến từ Công ty cổ phần Tập đoàn Masan – được thực hiện vào ngày 17/3 với giá trị 2.000 tỷ đồng và kỳ hạn 5 năm.

Đợt phát hành lớn nhất trong tháng có giá trị 4.800 tỷ đồng, thuộc về Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living. Đợt phát hành này được thực hiện ngày 13/3 và có kỳ hạn 5 năm.

Đây là một trong 7 đợt phát hành của các doanh nghiệp bất động sản trong tháng. Các đợt phát hành lớn khác bao gồm đợt phát hành giá trị 4.700 tỷ đồng ngày 10/3 của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An, đợt phát hành giá trị 4.695 tỷ đồng ngày 16/3 của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam, và đợt phát hành giá trị 4.450 tỷ đồng ngày 16/3 của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên. 3 đợt phát hành lớn này có kỳ hạn từ 1 đến 1,5 năm.

Tổng cộng, các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị trái phiếu 23.735 tỷ đồng trong tháng 3, chiếm 89,8% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các lĩnh vực khác bao gồm hàng tiêu dùng, nông nghiệp và xây dựng lần lượt chiếm 7,7%, 2,3% và 0,2%.

Từ đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu của nhóm ngành bất động sản chiếm 68,1% toàn thị trường. Nhóm ngành hàng tiêu dùng chiếm 29,2%, các nhóm ngành khác chiếm 2,7%.

Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 3 cho thấy Nghị định 08/2023 đang phát huy tác dụng trong việc “phá băng” kênh huy động vốn này. Nghị định này được Chính phủ ban hành vào đầu tháng 3, sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Nghị định, doanh nghiệp phát hành trái phiếu được phép gia hạn tối đa 2 năm hoặc thanh toán bằng các tài sản khác, nếu đàm phán thành công với trái chủ. Ngoài ra, một số quy định trước đó nhằm thắt chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp được tạm dừng hiệu lực.

Năm ngoái, các doanh nghiệp bắt đầu giảm phát hành trái phiếu sau khi một số lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt giữ với cáo buộc gian lận trong phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp cũng đồng thời tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn. Kể từ vụ bắt giữ Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan, vào tháng 10, thị trường gần như “đóng băng” với giá trị phát hành mỗi tháng chỉ 1-2 nghìn, thậm chí vài trăm tỷ đồng.

Các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 3. Nguồn: VBMA.

Các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 3. Nguồn: VBMA.

Tình hình mua lại, đến hạn và kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trong tháng 3, các doanh nghiệp cũng mua lại 14.267 tỷ đồng trái phiếu, theo VBMA, tăng 137% so với tháng trước. Xây dựng và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành có giá trị mua lại lớn nhất trong tháng. Tông cộng 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp mua lại hơn 29,86 nghìn tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 4 này, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là 14,54 nghìn tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất trong tháng, lần lượt chiếm 31% và 36%. Trong năm nay, giai đoạn cao điểm đến hạn trái phiếu doanh nghiệp rơi vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 9, trong đó cao nhất là tháng 9 với giá trị đáo hạn lên đến hơn 40 nghìn tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong phần còn lại của năm 2023. Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM muốn phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Công ty cổ phần Tập đoàn Masan cũng có kế hoạch phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu trên thị trường quốc tế với kỳ hạn 5 năm.

Tình hình phát hành trái phiếu chính phủ

Theo các động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm ở tất cả các kỳ hạn, theo VBMA, với lợi suất kỳ hạn 1 năm tính đến ngày 31/3 là 1,59%.

Ở thị trường sơ cấp, giá trị trái phiếu chính phủ phát hành trong 3 tháng đầu năm là 104.873 tỷ đồng, bằng 97,1% kế hoạch quý. Đầu năm nay, Kho bạc Nhà nước công bố kế hoạch đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bao gồm 108.000 tỷ đồng trong quý I.