VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Thị trường lao động toàn cầu khó phục hồi trong năm 2022

Thị trường lao động toàn cầu khó phục hồi trong năm 2022

11:07 - 18/01/2022

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã hạ dự báo phục hồi thị trường lao động vào năm 2022 do đại dịch Covid-19 tiếp tục có tác động đáng kể đến thị trường lao động toàn cầu.

Theo báo cáo Triển vọng việc làm và xã hội thế giới – xu hướng năm 2022 vừa được ILO công bố, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước dịch Covid-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, cao hơn nhiều so với con số 186 triệu vào năm 2019. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Tổ chức này cũng đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong năm 2022, dự kiến mức thâm hụt thời giờ làm việc toàn cầu trong năm nay so với quý 4/2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian. Trước đó, theo dự báo tại thời điểm tháng 5/2021, ước tính mức thâm hụt chỉ tương đương với số giờ làm việc của 26 triệu việc làm toàn thời gian.

Triển vọng phục hồi thị trường lao động toàn cầu vẫn còn mong manh

Theo ông Guy Ryder – Tổng Giám đốc ILO, đã hai năm kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát và triển vọng phục hồi thị trường lao động vẫn còn mong manh, con đường phục hồi thì chậm và không chắc chắn. Việc hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 cũng phản ánh tác động mà các biến thể Covid-19 mới như Delta và Omicron gây nên đối với thị trường việc làm khi mức độ và diễn biến tương lai của đại dịch vẫn đang rất phức tạp.

Đồng thời, khủng hoảng của đại dịch cũng tác động tới các nhóm lao động và các quốc gia ở mức độ khác nhau. Những khác biệt này làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng trong mỗi các quốc gia và các quốc gia với nhau, làm suy yếu cơ cấu kinh tế, tài chính và xã hội của hầu hết mọi quốc gia.

Cụ thể, khu vực châu Âu và Bắc Mỹ hiện có những dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ nhất, trong khi triển vọng cho khu vực Đông Nam Á, Mỹ Latin và Caribe lại chậm nhất. Ở cấp quốc gia, sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra mạnh mẽ nhất ở các nước thu nhập cao, trong khi tình hình của các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp hơn lại có xu hướng tồi tệ nhất.

Mức độ phục hồi của thị trường lao động trên toàn thế giới ở mỗi nền kinh tế và mỗi lĩnh vực kinh tế khác nhau nên sẽ cần nhiều năm để khắc phục thiệt hại này và thậm chí tiềm ẩn những hệ quả lâu dài về lực lượng lao động, thu nhập hộ gia đình và sự gắn kết xã hội, chính trị.

Mặt khác, thị trường lao động không thể phục hồi thực sự từ đại dịch này nếu sự phục hồi không diễn ra trên diện rộng. Để mang tính bền vững, sự hồi phục này cần phải dựa trên những nguyên tắc việc làm đúng đắn, gồm y tế và an toàn, bình đẳng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội. Trong khi đó, phụ nữ dự kiến sẽ còn tiếp tục chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng trong những năm tới và việc đóng cửa các cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đối với thanh niên, đặc biệt là những người không được tiếp cận internet.

Từ đó, ILO cũng đưa ra tóm tắt các khuyến nghị chính sách chính nhằm tạo dựng một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng mang tính toàn diện và lấy con người làm trung tâm cả ở cấp quốc gia và quốc tế. Những khuyến nghị này được đưa ra trên cơ sở “Lời kêu gọi Hành động Toàn cầu vì một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 lấy con người làm trung tâm mang tính bao trùm, bền vững và có sức chống chịu”, đã được 187 quốc gia thành viên của ILO thông qua vào tháng 6/2021. Theo đó, nếu không có các chính sách trong nước và quốc tế hiệu quả và mang tính phối hợp, có thể nhiều quốc gia sẽ phải mất nhiều năm để khắc phục hậu quả.

Riêng tại Việt Nam, theo ILO, số lao động thất nghiệp trong năm 2022 được dự báo sẽ ở mức khoảng 1,3 triệu người, tăng so với năm 2021 (khoảng 1,2 triệu) và tương đương với mức thất nghiệp của năm 2020. Số lao động thất nghiệp sẽ giảm trong năm 2023 về mức tương đương năm 2021. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn so với mức tiền khủng hoảng là 1,1 triệu người vào năm 2019.