VNReport»Kinh tế»Tài chính»Tín dụng tăng chậm trong 4 tháng đầu năm

Tín dụng tăng chậm trong 4 tháng đầu năm

17:25 - 25/04/2023

Tính đến ngày 20/4, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,57% so với cuối năm 2022 – bằng 1/3 so với 4 tháng đầu năm trước.

Tín dụng trong nền nền kinh tế tăng chậm trong 4 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết vào ngày 25/4, dù cơ quan này đã có một số biện pháp nới lỏng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế,

Cụ thể, tính đến ngày 20/4, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ này chỉ bằng 1/3 so với mức tăng 6,42% trong 4 tháng đầu năm 2022.

Căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% năm 2023 và lạm phát khoảng 4,5% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài từ cuối năm 2022 đến nay.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát cao, một số ngân hàng khu vực tại Mỹ phá sản. Ở trong nước, khách hàng rút tiền hàng loạt từ ngân hàng SCB. Những vấn đề này ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, dẫn đến ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trong khi đó, vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng, vì các thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả. Ngoài ra, khó khăn của thị trường bất động sản dẫn tới tín dụng cho ngành này tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.

Sau vụ việc SCB, các ngân hàng thương mại khác cũng xem xét lại dòng tiền và hoạt động cấp tín dụng để đảm bảo an toàn. Điều này khiến điều kiện cho vay thắt chặt hơn, dẫn đến giảm tăng trưởng tín dụng.

Trước những thách thức trên và để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – vốn đã giảm mạnh trong quý I – NHNN đã tích cực triển khai các biện pháp để tháo gỡ khó khăn và khơi thông dòng vốn tín dụng.

Mặc dù vậy, những biện pháp này chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt vì tăng trưởng tín dụng từ ngày 29/3 đến 20/4 chỉ là 0,5% (NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến ngày 28/3 là 2,06%).

Tháng trước, NHNN đã giảm một số lãi suất điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Mới đây, NHNN cũng ban hành Thông tư 02/2023 cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Từ tháng 4, NHNN cũng chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội.

Ngoài tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chính phủ, với những quy định mới bao gồm Nghị định 08 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN.