VNReport»Kinh tế»Triển vọng kinh tế châu Âu khởi sắc

Triển vọng kinh tế châu Âu khởi sắc

17:00 - 16/01/2023

Triển vọng kinh tế châu Âu sáng hơn khi câu chuyện giá khí đốt đã không trở thành một “cơn ác mộng” trong mùa đông này.

Bất chấp những dự báo gần như chắc chắn rằng nền kinh tế châu Âu sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng – một hệ quả của xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, một loạt dữ liệu kinh tế công bố gần đây cho thấy sự giảm tốc có thể không tệ như lo ngại trước đó.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Eurozone tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm gần 1 điểm phần trăm so với mức tăng 10,1% trong tháng 11.

Số liệu khảo sát doanh nghiệp của S&P Global công bố mới đây cũng cho thấy hoạt động kinh doanh tại 20 nước sử dụng đồng Euro đã nhích lên trong tháng 12 so với tháng trước. Sức ép chuỗi cung ứng và lạm phát đối với các nhà sản xuất trong khu vực cũng đang dịu đi.

Sự sụt giảm của giá năng lượng đã mang lại cho châu Âu cú hích kinh tế

Và đặc biệt, mức dự trữ khí đốt cao và thời tiết ấm hơn thường lệ đang giúp giá khí đốt tại châu Âu giảm nhanh. Giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan tuần vừa rồi giảm về ngưỡng 65 Euro/megawatt giờ, thấp hơn trên 80% so với mức kỷ lục vào tháng 8/2022. Mức giá khí đốt này cũng thấp hơn cả trước khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine.

Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đạt 84%, cao hơn nhiều so với mức 52% cùng thời điểm năm ngoái. Chưa kể, nhiệt độ cao bất thường trong mùa đông này cũng khiến giá năng lượng hạ nhiệt. Có ít nhất 8 nước châu Âu ghi nhận mức nhiệt trong tháng 1 cao nhất từ trước đến nay.

Sự sụt giảm của giá năng lượng đã mang lại cho châu Âu cú hích kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp trên khắp châu Âu vẫn ở quanh mức thấp kỷ lục. Giới doanh nghiệp dự định thuê thêm nhân viên chứ không phải cắt giảm.

Các tổ chức dự báo liên tục nâng ước tính tăng trưởng của châu Âu. Ngân hàng Goldman Sachs đã rút lại nhận định rằng khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Tuần trước, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,6% trong năm 2023 từ mức dự báo suy giảm 0,1% đưa ra hồi tháng 11. Ngân hàng thế giới (WB) cũng dự báo kinh tế Eurozone tăng 0,5% trong năm nay, bằng với mức tăng trưởng của Mỹ.

Tuy nhiên, kinh tế châu Âu phải đương đầu vẫn phải đương đầu với nhiều sóng gió. Hai thách thức lớn nhất là khủng hoảng năng lượng và chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ tiếp tục đeo bám khu vực này.

Dù giá năng lượng đã hạ nhiệt song vẫn đắt gấp đôi mức giá giữa năm 2021. Trước khi Covid-19 xuất hiện, khí tự nhiên ở châu có giá khoảng 10 euro/MWh, nhưng giờ con số đó lên gấp 7,5 lần.

Nhu cầu khí đốt của châu Á đang đi lên và sẽ còn tăng cao hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc trở lại bình thường. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính châu Âu vẫn chưa có đủ dự trữ để đề phòng trường hợp mùa đông lạnh giá trong năm sau.

Theo Goldman Sachs, lạm phát ở Eurozone sẽ giảm về mức 3,25% vào cuối năm 2023, vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Goldman Sachs dự báo ECB sẽ tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm vào tháng 2 và tháng 3 trước khi giảm tốc về mức tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg nhận định lạm phát lõi – không tính giá năng lượng và thực phẩm của châu Âu vẫn giảm chậm. Do vậy khó có chuyện ECB chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cho rằng lạm phát sẽ tăng trở lại trong tháng 1. Và châu Âu vẫn đang ở trong một cuộc chiến lâu dài và còn một chặng đường dài phải đi.