VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Trung Quốc nới lỏng hạn chế với bất động sản

Trung Quốc nới lỏng hạn chế với bất động sản

10:12 - 14/11/2022

Việc nới lỏng một phần quy định đối với ngành bất động sản là một phần trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc ban hành một loạt các biện pháp nhằm tăng cường cung và cầu nhà ở, theo một thông báo được gửi vào thứ Sáu dành cho các tổ chức tài chính và quan chức liên quan đến hoạch định chính sách.

Các chính sách mới – được nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phê duyệt – gỡ bỏ một số hạn chế trước đây nhằm giảm mức độ vay nợ của các nhà phát triển bất động sản và cho phép ngân hàng được giãn nợ cho những nhà phát triển gặp khó khăn về tài chính.

Trước đó, các chính quyền địa phương đã thực hiện một số biện pháp quy mô nhỏ hơn để giảm bớt một số áp lực mà các công ty bất động sản phải đối mặt. Nhưng gói 16 biện pháp mới thể hiện bước tiến lớn nhất để giải cứu một lĩnh vực từng là trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều thập kỷ.

Dan Wang – nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc – cho biết các biện pháp mới có “quy mô lớn” và tương đương với “việc nới lỏng tín dụng có mục tiêu cho ngành bất động sản”. Bà cho biết rằng điều này trái với những biện pháp hỗ trợ nhỏ hơn trước đó.

Bà Wang cho biết rằng khi các nhà phát triển sắp đến hạn trả nợ, nhà quản lý rất mong tránh bất kỳ rủi ro hệ thống nào trong lĩnh vực tài chính gây ra bởi một làn sóng vỡ nợ tiềm tàng. Mặc dù vậy, bà nói thêm rằng “nhu cầu mua nhà vẫn yếu” và khả năng đảo ngược trong tâm lý thị trường nhà ở có thể phụ thuộc vào triển vọng dài hạn của nền kinh tế.

Từ năm ngoái, ông Tập bắt đầu chiến dịch chế ngự sự bùng nổ kéo dài 4 thập kỷ của thị trường bất động sản mà các quan chức cảnh báo rằng có thể là một bong bóng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc đang chậm lại nhanh chóng.

Các biện pháp mới dỡ bỏ một số chính sách trước đây nhằm giảm vay nợ của các nhà phát triển bất động sản.

Các biện pháp mới dỡ bỏ một số chính sách trước đây nhằm giảm vay nợ của các nhà phát triển bất động sản.

Các biện pháp này khiến số chủ đầu tư bất động sản vỡ nợ và nợ xấu ngân hàng tăng, doanh số bán nhà và đầu tư giảm – tất cả đều ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung trong những quý gần đây. GDP của Trung Quốc chỉ tăng 3,0% trong 9 tháng đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm chính thức của chính phủ là khoảng 5,5%, được đặt ra vào tháng 3.

Trong nhiều thập kỷ, giá nhà của Trung Quốc vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế chung, khiến tín dụng đổ vào đầu cơ bất động sản nhiều hơn và đẩy giá trị bất động sản lên cao hơn nữa. Trong những năm gần đây, giới chức nhiều lần cố gắng phá vỡ vòng xoáy này bằng nhiều biện pháp thắt chặt khác nhau, nhưng quay lại nới lỏng bất cứ khi nào tăng trưởng bị đe dọa.

Theo Goldman Sachs, đến năm 2019, tổng giá trị nhà ở và tồn kho của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc là 52 nghìn tỷ USD – gấp đôi quy mô thị trường nhà ở của Mỹ.

Khi Bắc Kinh thắt chặt quy định với các nhà phát triển vào năm ngoái – và sau đó tái khẳng định cam kết với những quy tắc cứng rắn hơn – một số nhà phát triển tư nhân bắt đầu đứng trước bờ vực khủng hoảng. Nổi bật nhất là Tập đoàn China Evergrande, một trong những nhà phát triển lớn nhất của đất nước và hiện là con nợ lớn nhất. Mối lo ngại cũng đã lan sang các công ty tư nhân lớn khác.

Hơn 30 nhà phát triển đã vỡ nợ đối với trái phiếu mệnh giá bằng USD của mình. Các nhà đầu tư quốc tế bán tháo những trái phiếu này, đẩy giá xuống thấp và khiến ngay cả các nhà phát triển tư nhân mạnh nhất cũng khó bán trái phiếu mới.

Các biện pháp thắt chặt khiến doanh số bán nhà giảm mạnh.

Các biện pháp thắt chặt khiến doanh số bán nhà giảm mạnh.

Khi kinh tế khó khăn hơn trong năm nay, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương thực hiện một số biện pháp khiêm tốn để cố gắng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhà ở toàn diện. Họ đưa ra những biện pháp như giảm thuế, thưởng tiền mặt và giảm tiền trả trước, cũng như cung cấp cho ngân hàng hạn mức tín dụng để tăng cho vay bất động sản. Nhưng những động thái nhỏ đó cho đến nay không đảo ngược được tâm lý thị trường.

Vào tháng 10, doanh số bán hàng tại 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất của đất nước giảm xuống tương đương 76,7 tỷ USD, giảm 28,4% so với một năm trước đó và giảm tháng thứ 16 liên tiếp so với cùng kỳ năm trước, theo China Real Estate Information Corp. – một nhà cung cấp dữ liệu ngành.

Tháng trước, đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc bầu ra nhóm lãnh đạo mới trung thành với ông Tập. Nhờ đó, ông Tập đang hướng nhiều hơn tới việc thúc đẩy nền kinh tế. “Có vẻ như không gian nới lỏng chính sách đã được mở rộng sau đại hội đảng”, theo Larry Hu – một nhà kinh tế ở Hong Kong của Macquarie.

Tín dụng là một vấn đề gây khó đặc biệt đối với nhiều nhà phát triển, vì họ vay rất nhiều để xây dựng các dự án mới và tiếp tục hoạt động. Trong 9 tháng đầu năm nay, số vốn huy động được bởi các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc giảm 24,5%, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia.

Tập đoàn China Evergrande – một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc – hiện là doanh nghiệp nợ nhiều nhất.

Tập đoàn China Evergrande – một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc – hiện là doanh nghiệp nợ nhiều nhất.

Thông báo mới – do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cùng đưa ra – không thể hiện sự đảo ngược hoàn toàn những nỗ lực trước đó của ông Tập nhằm giảm bớt sự thái quá của lĩnh vực này. Thông báo – được giới thiệu là một gói nhằm đảm bảo sự “phát triển ổn định và lành mạnh” của ngành – vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế mua bất động sản để đầu cơ. Điều này lặp lại câu nói của ông Tập rằng “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.

Theo thông báo mới, các khoản nợ ngân hàng chưa thanh toán của nhà phát triển và một số loại tín dụng phi ngân hàng đến hạn trong vòng 6 tháng tới có thể được gia hạn thêm 1 năm. Việc thanh toán trái phiếu cũng có thể được giãn.

Ngoài ra, các ngân hàng được khuyến khích cung cấp vốn cho các dự án nhà ở chưa hoàn thành và đàm phán với người mua nhà về việc gia hạn trả nợ thế chấp. Điều này có vẻ nhằm giúp xoa dịu sự phẫn nộ ngày càng tăng của những người mua nhà đã tẩy chay trả tiền thế chấp kể từ mùa hè.

Các ngân hàng cũng được khuyến khích cung cấp vốn để hỗ trợ những nhà phát triển có tình hình tài chính tốt mua lại các dự án từ những nhà phát triển yếu hơn.

Chính sách mới yêu cầu các tổ chức tín dụng đối xử bình đẳng giữa các nhà phát triển bất động sản quốc doanh và tư nhân. Theo Yan Yuejin – giám đốc nghiên cứu tại E-House China R&D Institute ở Thượng Hải – điều này có vẻ nhằm giải quyết sự e dè của ngân hàng trong việc cho các nhà phát triển tư nhân vay vốn.

Bruce Pang – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle – cho biết: “Cơ quan quản lý đang nỗ lực toàn diện để nhắm mục tiêu hạ cánh mềm cho lĩnh vực bất động sản”. Tuy nhiên, với những biện pháp nghiêng nhiều về cải thiện thanh khoản cho các nhà phát triển thiếu tiền, chúng “có lẽ không đủ để ngăn chặn sự suy giảm trong thị trường nhà ở thực tế”.