VNReport»Kinh tế»Tài chính»Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP vượt 140%

Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP vượt 140%

15:02 - 19/04/2021

Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam vượt 140%, nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá quốc tế.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng báo cáo rằng tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP đã vượt quá 140%. Đây là con số thuộc nhóm tỷ lệ cao theo đánh giá của quốc tế. Nếu tỷ số này tiếp tục tăng và các khoản vay trung và dài hạn còn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng, sẽ tạo áp lực lớn lên việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô. Vì vậy, Thống đốc mong Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo phát triển thị trường tài chính theo hướng hài hòa giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 90% số lượng các doanh nghiệp ở Việt Nam. Nhưng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp này còn hạn chế do năng lực tài chính, quản trị, phương án kinh doanh, quản lý dòng tiền còn hạn chế. Có những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn. Thống đốc mong Thủ tướng và Chính phủ quan tâm và có cơ chế hỗ trợ tốt hơn. NHNN sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm các thủ tục để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng nhắc NHNN nên sử dụng các công cụ quản lý chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, hỗ trợ tăng trưởng, tạo niềm tin trong nhân dân, niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngành ngân hàng cũng cần xây dựng kịch bản đối phó với dịch COVID-19, cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để tái sản xuất. Tuy nhiên, các ngân hàng không được phép hạ tiêu chuẩn vay, tránh gây rủi ro hệ thống.

Đối với tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trong thời gian qua, NHNN đã sử dụng các công cụ kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn (hiện là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay với các khoản đầu tư và giao dịch cổ phiếu so với vốn điều lệ… Kết quả cho thấy tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đang giảm. Dư nợ tín dụng cho đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp thấp và được kiểm soát.

Về quản lý tín dụng, Thủ tướng chỉ đạo NHNN cần tổng hợp và phân tích dữ liệu nhằm có được đánh giá hợp lý để kiểm soát tín dụng vào bất động sản và chứng khoán. Đối với dòng tín dụng vào bất động sản, cần quản lý để đảm bảo nguồn vốn phục vụ nhu cầu thực sự của người dân, tránh đầu cơ.

Trong dài hạn, NHNN nên có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính để đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Cần giảm áp lực lên nguồn cung vốn từ hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.