VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Tỷ lệ hàng giá rẻ Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống thấp nhất 10 năm

Tỷ lệ hàng giá rẻ Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống thấp nhất 10 năm

08:15 - 05/06/2023

Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang thay thế ngày càng nhiều cho Trung Quốc trong tỷ trọng hàng nhập khẩu của Mỹ.

Trung Quốc sắp chiếm chưa đến một nửa giá trị hàng nhập khẩu giá rẻ của Mỹ từ châu Á, lần đầu tiên sau 10 năm, khi các doanh nghiệp phương Tây chuyển hoạt động ra khỏi nước này.

Theo Kearney – công ty tư vấn quản lý có trụ sở tại Chicago – những nỗ lực của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như yếu tố giá cả đang thúc đẩy các nhà nhập khẩu chuyển sang những nước chi phí thấp hơn ở châu Á, như Việt Nam.

Patrick Van den Bossche thuộc Kearney cho biết: “Vào cuối năm 2023, tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc” trong các nước châu Á chi phí thấp (không bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc) “chắc chắn sẽ giảm xuống dưới 50%”.

Mỹ và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Năm ngoái, hàng hóa Trung Quốc chiếm 50,7% hàng nhập khẩu của Mỹ từ châu Á, theo Kearney. Con số này đã giảm từ gần 70% vào năm 2013.

Trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm thì nhập khẩu từ Việt Nam tăng gấp đôi trong 5 năm qua và tăng gấp 3 trong 10 năm qua. Ấn Độ, Đài Loan và Malaysia cũng đóng góp tỷ trọng lớn hơn hàng nhập khẩu của Mỹ từ châu Á.

“Nhập khẩu của Mỹ từ các nước khác như Việt Nam tăng lên khi các nhà sản xuất chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc””, theo Tu Xinquan thuộc Viện Nghiên cứu WTO Trung Quốc tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh.

Việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc ban đầu được thúc đẩy bởi cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như tiền lương và chi phí sản xuất tăng lên ở Trung Quốc. Xu hướng này tiếp tục dưới thời chính quyền Biden trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước trong nhiều vấn đề từ công nghệ bán dẫn tiên tiến đến an ninh của Đài Loan.

Các luật mới của Mỹ “tiếp tục dẫn đến việc gia tăng đầu tư ra khỏi Trung Quốc và vào Mỹ và Mexico, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn và pin xe điện”, theo ông Van den Bossche.

Trong một báo cáo hồi tháng 3, các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết: “Chi phí lao động ngày càng tăng ở Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị và các vấn đề nhân quyền khuyến khích các công ty khác bớt phụ thuộc vào Bắc Kinh với tư cách là công xưởng của thế giới”.

“Sự tách rời của hai nền kinh tế dẫn đến việc sản xuất quan trọng trở về nước và chuyển nhập khẩu từ Trung Quốc sang ASEAN, Ấn Độ và Mexico”.

Khối lượng container cũng phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu thị trường xuất khẩu đến Mỹ. Theo Descartes – một công ty công nghệ logistics có trụ sở tại Canada – tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng nhập khẩu container của Mỹ giảm từ mức đỉnh 42,2% vào tháng 2 năm ngoái xuống còn 31,6% vào tháng 3 năm nay. Tỷ lệ của Ấn Độ và Thái Lan lần lượt tăng nhẹ lên 4,1% và 3,8% từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2023.

Trung Quốc sẽ chiếm dưới 50% giá trị hàng nhập khẩu giá rẻ của Mỹ từ châu Á vào cuối năm nay.

Trung Quốc sẽ chiếm dưới 50% giá trị hàng nhập khẩu giá rẻ của Mỹ từ châu Á vào cuối năm nay.

Một giám đốc tại công ty sản xuất giày UT Footwear ở tỉnh Phúc Kiến nói rằng một số nhà sản xuất đang xoay trục để cung cấp các sản phẩm cao cấp hơn và cải thiện dịch vụ để cạnh tranh với những nhà cung cấp rẻ hơn ngoài Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc còn đi xa hơn khi mở cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Nhà sản xuất máy nước nóng Vanward New Electric cho biết họ đang mở nhà máy ở Ai Cập và Thái Lan để đáp ứng nhu cầu từ khách hàng Mỹ.

“Bạn đến gần hơn với thị trường hoặc bạn đến gần hơn với tài nguyên”, theo Simon Goh – tổng giám đốc Arise IIP Trung Quốc, công ty điều hành các liên doanh khu công nghiệp ở châu Phi. “Nếu nhìn vào châu Phi hay những nơi khác, có thể thấy nguồn cung lao động đang tăng trưởng mạnh”.

Nhưng không thể thay thế hoàn toàn việc sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt với những sản phẩm như hóa chất, theo ông Van den Bossche.

Một nghiên cứu của Deutsche Bank năm 2019 về 719 sản phẩm mà Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc cho thấy 95% trong số đó có thể được cung cấp từ những nơi khác ở châu Á. Báo cáo cho biết 38 mặt hàng còn lại “phần lớn là hóa chất và hàng hóa liên quan”.