VNReport»Kinh tế»Tài chính»Vay ký quỹ chứng khoán vượt 100.000 tỷ đồng

Vay ký quỹ chứng khoán vượt 100.000 tỷ đồng

14:21 - 22/04/2021

Các công ty chứng khoán đang cho vay ký quỹ ở mức kỷ lục giữa làn sóng các nhà đầu tư F0.

Hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường đang cho các nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/3/2021. Đây là mức cho vay ký quỹ kỷ lục đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán tính đến hết quý I/2021

Dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán tính đến hết quý I/2021

Công ty chứng khoán có dư nợ cho vay bao gồm ký quỹ và ứng tiền trước cho người bán lớn nhất là Mirae Asset với giá trị 13.893 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. SSI có khoản dư nợ cho vay 11,122 tỷ đồng, tăng 20,6% so với quý I/2020. Nhiều công ty khác cũng đang cho vay ở mức kỷ lục như HSC (Công ty chứng khoán TP HCM) – 8.876 tỷ đồng, TCBS (Công ty chứng khoán Kỹ thương) – 6.015 tỷ đồng, VPS – 6.341 tỷ đồng, VN Direct – 6.536 tỷ đồng.

Đáng chú ý là, theo Điều 9, Quyết định số 87 hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban chứng khoán Nhà nước: Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán đó. Chiếu theo quy định này, nhiều công ty chứng khoán đang vượt hoặc gần chạm mức trần ký quỹ.

Tại công ty chứng khoán MBS, giá trị các khoản cho vay là 4.734 tỷ đồng, gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này ở Mirae Asset là 1,8 lần, 1,86 lần ở HSC, 1,9 lần đối với Yuanta Việt Nam, … Tỷ số này chưa bao gồm các khoản ứng tiền trước cho người bán. Nếu tính thêm cả các khoản này, tỷ lệ ở nhiều công ty đã vượt mức 2.

Một điểm đáng chú ý nữa là khoản trích lập dự phòng đối với cho vay ký quỹ tại nhiều công ty chứng khoán rất thấp. Một số công ty còn không trích lập.

Ví dụ, Mirae Asset đang cho các nhà đầu tư vay 13.893 tỷ đồng, nhưng dự phòng cho vay ký quỹ chỉ là 5,8 tỷ đồng, tương đương 0,04%. SSI đang trích lập dự phòng 30 tỷ đồng đối với khoản cho vay ký quỹ 11.122 tỷ đồng, tương đương 0,26%. TVSI đang cho vay 3.008 tỷ đồng nhưng chỉ dự phòng 9 tỷ đồng…

Một số công ty chứng khoán khác không trích lập dự phòng như VPS, BSI.

Các công ty chứng khoán còn lại trích lập dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính khoảng vài chục tỷ đồng. Ngoài dự phòng đối với cho vay ký quỹ, khoản trích lập dự phòng này còn bao gồm dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính của doanh nghiệp như cổ phiếu, trái phiếu tự doanh. Vì không có thuyết minh chi tiết, không rõ chính xác phần dự phòng cho vay ký quỹ của các công ty này là bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng tỷ lệ trích lập dự phòng rất thấp so với các khoản cho vay ký quỹ hàng nghìn tỷ đồng.

Cho vay ký quỹ là mảng kinh doanh siêu lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Trong quý I năm nay, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận lợi nhuận kỷ lục nhờ lãi từ khoản mục này tăng mạnh so với cùng kỳ. Các khoản vay ký quỹ được đảm bảo bởi chính giá trị của cổ phiếu. Có lẽ vì vậy mà tỷ lệ trích lập dự phòng cho ký quỹ hiện rất thấp.

Mặc dù được đảm bảo bởi chính cổ phiếu, các khoản ký quỹ vẫn tiềm ẩn rủi ro. Một khi phần giá trị đảm bảo xuống quá thấp, các khoản ký quỹ sẽ bắt buộc phải dừng (call margin). Nếu như có quá nhiều các khoản ký quỹ bị “call” cùng lúc thì cổ phiếu sẽ bị “xả” ra thị trường, khiến cho giá trị cổ phiếu lao dốc, đẩy thêm áp lực “call” các khoản ký quỹ khác.