VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»WB: Kinh tế Việt Nam khó khăn do nhu cầu bên ngoài yếu

WB: Kinh tế Việt Nam khó khăn do nhu cầu bên ngoài yếu

16:02 - 26/06/2023

Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước thận trọng khi nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam ghi nhận sự suy giảm trong sản xuất xuất khẩu do nhu cầu bên ngoài tiếp tục yếu, theo ấn bản tháng 6 về kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB).

“Nếu các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt thêm, nhu cầu bên ngoài có thể suy yếu hơn nữa”, theo báo cáo “Vietnam Macro Monitoring” (“Theo dõi kinh tế vĩ mô Việt Nam”) của WB.

WB khuyến nghị Việt Nam đẩy nhanh giải ngân đầu tư công song song với nới lỏng chính sách tiền tệ.

WB khuyến nghị Việt Nam đẩy nhanh giải ngân đầu tư công song song với nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tổng xuất khẩu của nước ta trong giai đoạn 5 tháng đầu năm đã giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 136,17 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 17,9% xuống còn 126,37 tỷ USD, theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố.

Dữ liệu cho thấy thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất – đã giảm 22% xuống còn 31,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm so với một năm trước. Xuất khẩu giảm mạnh trong các nhóm hàng lớn bao gồm đồ gỗ, thủy sản, quần áo, giày dép và điện thoại thông minh.

WB cho biết xuất khẩu của Việt Nam đã giảm kể từ tháng 11 năm ngoái, chỉ phục hồi ngắn vào tháng 2. Lý do là nhu cầu ở nước ngoài yếu đi, điều này càng đòi hỏi có các biện pháp từ chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng 5 tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 0,5% trong tháng 4, WB cho biết.

Các nhà phân tích chỉ ra một điểm sáng là lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tăng 11,5% trong tháng 5, bù đắp một phần những khó khăn từ bên ngoài.

Theo WB, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang chậm lại trước những trở ngại từ bên ngoài, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm các lãi suất điều hành 4 lần trong năm nay. “Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải cảnh giác trước những áp lực tiềm tàng đối với dòng vốn và tỷ giá hối đoái do sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và các nước khác”, WB cảnh báo.

Ngoài các biện pháp về tiền tệ, WB khuyến nghị Việt Nam đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tập trung vào công nghệ xanh và kỹ thuật số, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển bền vững lâu dài. Hợp lý hóa các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh và đầu tư cho tăng trưởng kinh tế.

Tổ chức này cũng kêu gọi Việt Nam xác định những người lao động và gia đình bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất và hỗ trợ họ thông qua hệ thống an sinh xã hội.