VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»WHO đặt tên mới cho các biến thể nCoV

WHO đặt tên mới cho các biến thể nCoV

08:53 - 01/06/2021

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị gọi tên các biến thể nCoV theo bảng chữ cái Hy Lạp, thay vì gọi theo nơi mà chúng lần đầu xuất hiện.

Theo ông Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, không quốc gia nào đáng bị kỳ thị vì phát hiện và báo cáo biến thể.

Theo đó, các biến thể nCoV được gọi tên bằng cách sử dụng các chữ cái Hy Lạp, thay vì gọi theo nơi mà chúng lần đầu xuất hiện. Biến thể Anh (B.1.1.7) gọi là “Alpha”, biến thể Nam Phi (B.1.351) là “Beta”, biến thể Brazil P1 là “Gamma”, biến thể Ấn Độ B.1.617.2 là “Delta”. Các biến thể đáng quan tâm khác sẽ được dán nhãn từ “Epsilon” tới “Kappa”.

Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Đại hội đồng y tế thế giới lần thứ 74 ngày 31/5

Hội đồng chuyên gia WHO cho rằng cách gọi tên mới sẽ dễ dàng và thực tế hơn đối với những người không làm trong lĩnh vực khoa học. Tuy nhiên, WHO cũng lưu ý cách gọi mới không thay thế tên khoa học của các biến thể. Tên khoa học sẽ tiếp tục sử dụng trong nghiên cứu.

Phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội đồng y tế thế giới lần thứ 74 ngày 31/5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết có rất nhiều việc cần phải làm để chấm dứt đại dịch Covid-19 và cảnh báo không nên lơ là cảnh giác với đại dịch.

Theo ông Tedros, số ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm, nhưng sẽ là sai lầm lớn nếu bất kỳ quốc gia nào nghĩ mối nguy hiểm đã qua. Ông cho rằng con đường thoát đại dịch là sử dụng phù hợp và nhất quán các biện pháp y tế cộng đồng, kết hợp với thúc đẩy tiêm chủng công bằng. Đồng thời, Tổng giám đốc WHO kêu gọi các nước thành viên cam kết hỗ trợ để đạt các mục tiêu như ít nhất 10% dân số toàn cầu được tiêm chủng tính đến cuối tháng 9 và ít nhất 30% trước cuối năm nay.

Tới thời điểm hiện tại thế giới đã ghi nhận 171.373.050 ca nhiễm nCoV và 3.564.185 ca tử vong.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới, với 34.048.268 ca nhiễm và 609.767 ca tử vong do nCoV. Tuy nhiên, số ca nhiễm hàng ngày ở Mỹ đã giảm 53% kể từ ngày 1/5 và 50% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 40% đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 28.173.655 ca nhiễm và 331.909 ca tử vong. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới vẫn đang chật vật đối phó đợt bùng phát Covid-19 thứ hai, khiến hàng chục nghìn người chết chỉ trong một tháng.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất. Tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng gần 2 triệu ca mắc Covid-19.