VNReport»Kinh tế»Xuất khẩu tháng 6 thấp hơn 11% so với cùng kỳ

Xuất khẩu tháng 6 thấp hơn 11% so với cùng kỳ

14:24 - 03/07/2023

Kể từ đầu năm, đây là tháng thứ năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ, đóng góp vào thành tích tăng trưởng kinh tế chậm trong quý II và nửa đầu năm, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng vẫn yếu ở các thị trường lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 6 ước đạt 29,3 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ đầu năm, đây là tháng thứ năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.

Trong quý II, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,4 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 12,1% so với cùng kỳ xuống còn 164,45 tỷ USD.

Những kết quả xuất khẩu kém trên là một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GDP chậm trong năm nay. Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 4,14% trong quý II vừa qua và 3,72% trong nửa đầu năm. Ngoài năm 2020 bị ảnh hưởng bởi phong tỏa do Covid, những mức tăng trưởng này là chậm nhất kể từ 2011.

Trong nửa đầu năm, xuất khẩu giảm đồng đều ở cả khu vực kinh tế trong nước (giảm 11,9%) và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 12,2%).

Có 27 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch. Đáng chú ý, 5 ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 57,8% tổng kim ngạch) đều giảm từ 8% trở lên so với cùng kỳ.

Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm điện thoại và linh kiện; và máy vi tính, điện tử và linh kiện lần lượt giảm 17,9% và 9,3% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này khiến hàng chục nghìn công nhân sản xuất những mặt hàng này bị mất việc, giảm giờ làm và giảm lương.

Kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị phụ tùng khác giảm 8,2%. Trong khi đó, hàng dệt may và giày dép lần lượt giảm 15,3% và 15,2% so với cùng kỳ.

Những ngành hàng khác cũng giảm sâu, như gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, sắt thép giảm 17,2%, xơ sợi giảm 26,2% …

Vẫn có một số ngành hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao về xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, ví dụ như gạo tăng 34,7%, rau quả tăng 64,2%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 14,4% …

Trong nửa đầu năm 2023, tất cả các thị trường lớn đều mua ít hàng Việt Nam hơn so với cùng kỳ năm 2022, dẫn đầu là Mỹ giảm 22,6%. Xuất khẩu sang EU giảm 10,1%, ASEAN giảm 8,7%, Hàn Quốc giảm 10,2% và Nhật Bản giảm 3,3%. Dù có động lực từ việc tái mở cửa, Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ – cũng giảm nhập khẩu từ Việt Nam (giảm 2,2% so với cùng kỳ) trong bối cảnh nền kinh tế nước này phục hồi chậm hơn kỳ vọng.

Việc xuất khẩu giảm mạnh kéo theo nhập khẩu cũng giảm mạnh, khi các doanh nghiệp sản xuất hạn chế nhập khẩu nguyên liệu vì ít có đơn hàng. Trong tháng 6, Tổng cục Thống kê ước tính kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 26,71 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung nửa đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%.

Tổng kim ngạch thương mại trong 6 tháng đầu năm đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ. Xuất siêu đạt 12,25 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD.