VNReport»Top»10 nước đông dân nhất thế giới

10 nước đông dân nhất thế giới

17:38 - 12/07/2022

Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng 1/3 tổng dân số toàn thế giới.

Tốc độ tăng trưởng dân số của thế giới đang chậm lại, theo báo cáo mới của Liên Hợp Quốc. Đối với các nước nghèo, tốc độ tăng dân số cao có thể kìm hãm sự phát triển kinh tế vì mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên lớn. Nhưng dân số giảm cũng có thể khiến các nước rơi vào khủng hoảng nhân chủng học khi tỷ lệ người ở độ tuổi lao động trong cơ cấu dân số quá thấp.

Sau đây là 10 quốc gia có số dân cư đông nhất thế giới.

  1. Trung Quốc (1,413 tỷ dân)

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số 1,413 tỷ người, theo ước tính của chính phủ nước này. Con số đó chỉ bao gồm Trung Quốc đại lục, không bao gồm Hong Kong và Macau.

Nước này từng thực hiện những biện pháp để chống lại tình trạng quá tải dân số, bao gồm chính sách một con, được áp dụng vào năm 1979. Chính sách này dần được nới lỏng từ năm 2015 thành giới hạn 2 con, rồi 3 con và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2021.

Kể từ cuối những năm 1980, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Trung Quốc đã giảm đáng kể. Tỷ lệ tăng là 1,94% vào năm 1988, sau đó giảm xuống còn 0,03% vào năm 2021. Dân số nước này nhiều khả năng sẽ bắt đầu thu hẹp trong những năm tới.

  1. Ấn Độ (1,374 tỷ dân)

Ấn Độ có dân số 1,374 tỷ người, đứng thứ 2 thế giới, theo ước tính của chính phủ. Nước này cùng với Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 dân số toàn cầu. Theo Liên Hợp Quốc, Ấn Độ được dự báo vượt qua Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2023, khi tốc độ tăng trưởng dân số của nước này vẫn đạt gần 1%.

Từ những năm 1980, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Ấn Độ giảm, từ 2,35% năm 1982 xuống còn 0,97% trong năm 2021. Theo những ước tính gần đây, dân số Ấn Độ có thể đạt đỉnh vào đầu những năm 2060. Không giống như Trung Quốc, Ấn Độ không thực hiện những biện pháp để hạn chế tỷ lệ sinh. Thay vào đó, mức sống cao hơn, giáo dục tốt hơn và kế hoạch hóa gia đình được cho là những lý do làm giảm sự gia tăng dân số của đất nước.

  1. Mỹ (333 triệu dân)

Mỹ có tổng dân số gần 333 triệu người, theo ước tính của Cục điều tra dân số nước này (không bao gồm các vùng lãnh thổ chưa hợp nhất). Đây là quốc gia có nhiều dân nhất ngoài châu Á.

Từ những năm 1970 đến 2008, tốc độ tăng trưởng dân số ở Mỹ dao động quanh mức 1%/năm. Từ năm 2009, tốc độ này giảm dần và rơi xuống chỉ còn 0,13% vào năm 2021 – mức thấp nhất trong lịch sử đất nước. Tỷ lệ sinh của Mỹ chỉ đạt 1,664 trẻ/phụ nữ, thấp hơn nhiều mức 2,1 được cho là cần thiết để duy trì dân số tự nhiên. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng dân số do nhập cư của Mỹ khá cao.

  1. Indonesia (272 triệu dân)

Dân số Indonesia là hơn 272 triệu người, theo ước tính của chính phủ. Đây là nước đông dân nhất ở khu vực Đông Nam Á và có nhiều người theo đạo Hồi nhất thế giới. Khoảng 55% dân số nước này sống ở đảo Java – hòn đảo đông dân nhất thế giới.

Tăng trưởng dân số Indonesia ở mức 2,76%/năm vào năm 1967, nhưng đã giảm kể từ đó. Tỷ lệ này năm 2022 được dự báo chỉ là 0,79%. Tỷ lệ này được cho là sẽ còn tiếp tục giảm, với dự báo tốc độ tăng dân số là 0,32%/năm vào năm 2050.

  1. Pakistan (229 triệu dân)

Một đất nước Hồi giáo chiếm đa số khác là Pakistan có dân số 229 triệu người, theo ước tính của Liên Hợp Quốc.

Tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước này đạt đỉnh vào năm 1982 là 3,41%. Sau đó, tốc độ tăng bắt đầu giảm. Năm 2021, tỷ lệ này ước tính còn 1,85%. Các chuyên gia dân số cho rằng tôn giáo và sự thiếu hiểu biết là nguyên nhân khiến dân số Pakistan tiếp tục tăng cao. Trên thực tế, tỷ lệ sinh của nước này được xếp vào hàng cao nhất trong số các nước bên ngoài châu Phi.

Dự báo cho thấy mặc dù tỷ lệ gia tăng dân số ở Pakistan sẽ tiếp tục giảm, nhưng quy mô dân số sẽ tiếp tục mở rộng đáng kể, lên đến hơn 338 triệu người Pakistan vào năm 2050.

  1. Nigeria (217 triệu dân)

Nigeria là nước đông dân nhất ở châu Phi, với dân số lên đến gần 217 triệu người, theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Cơ cấu dân số của Nigeria rất trẻ: 42,54% có độ tuổi từ 0 đến 14.

Trái ngược hoàn toàn với các nước đang phát triển khác, tốc độ tăng dân số hàng năm của Nigeria hiện cao hơn so với những năm 1950. Một lý do là do chính phủ nước này không thực hiện những chính sách kế hoạch hóa gia đình do không phù hợp với văn hóa. Năm 1951, dân số Nigeria tăng với tốc độ 1,49%. Tuy nhiên, năm 2022, tốc độ tăng ước tính lên đến 2,53%. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, dân số Nigeria có thể tăng gấp đôi vào năm 2050.

  1. Brazil (215 triệu dân)

Brazil là nước đông dân nhất ở Nam Mỹ và thứ 2 ở Tây Bán cầu. Chính phủ nước này ước tính gần 215 triệu người sinh sống tại đây. Người dân Brazil tập trung chủ yếu ở phía đông của đất nước, giáp hoặc gần với Đại Tây Dương, trong khi phía tây có rất ít dân cư sinh sống.

Mặc dù dân số Brazil vẫn đang tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm đã dần chậm lại kể từ những năm 1950. Năm 1951, dân số Brazil tăng với tốc độ 3,02% nhưng đến năm 2022 thì chỉ còn 0,72%, theo ước tính. Đến năm 2050, dân số Brazil được dự báo sẽ giảm 0,05%.

  1. Bangladesh (168 triệu dân)

Bangladesh có dân số hơn 168 triệu người, theo ước tính của chính phủ. Mặc dù dân số hiện vẫn tăng khoảng 1%/năm, tỷ lệ sinh của nước này là 2,0 – thấp hơn so với tỷ lệ sinh ở mức thay thế.

Tốc độ tăng dân số Bangladesh không ổn định trong quá khứ, cao hơn trong những năm 1950, 1960, nhưng giảm vào đầu những năm 1970 trước khi tăng trở lại cuối thập kỷ đó, đạt 2,76% vào năm 1979. Tỷ lệ tăng dân số của Bangladesh có xu hướng giảm kể từ những năm 1980. Năm 2021, tỷ lệ tăng dân số của nước này ước tính ở mức thấp nhất từ trước đến nay là 0,98%. Tỷ lệ này được dự báo sẽ giảm xuống 0,15% vào năm 2050.

  1. Nga (147 triệu dân)

Nga là quốc gia đông dân nhất ở châu Âu, với dân số hơn 147 triệu người, theo kết quả sơ bộ từ cuộc thăm dò dân số năm 2021. Con số này bao gồm cả các khu vực lãnh thổ tranh chấp mà Nga đang quản lý.

Năm 1954, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Nga là 1,68%. Tỷ lệ này giảm đáng kể cho đến năm 1970, trước khi phục hồi phần nào vào những năm 80. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, tốc độ gia tăng dân số của Nga bắt đầu giảm trở lại, đến mức âm vào năm 1994. Phải đến 2009, dân số Nga mới bắt đầu tăng trở lại, nhưng giảm trong 2 năm Covid vừa qua.

  1. Mexico (128 triệu dân)

Nước đông dân thứ hai ở châu Mỹ Latinh là Mexico, với hơn 128 triệu dân, tính đến cuối tháng 3/2022 theo ước tính của chính phủ.

Tăng trưởng dân số hàng năm của đất nước tương đối ổn định trong những năm 1950 và 1960, nhưng bắt đầu giảm từ những năm 1970. Năm 1959, tỷ lệ này là 3,17%. Đến năm 2021, nó đã giảm xuống chỉ còn 1,03%. Theo dự báo, tốc độ tăng dân số của Mexico sẽ tiếp tục chậm lại cho đến năm 2050.