VNReport»Top»12 chính đảng lớn nhất thế giới

12 chính đảng lớn nhất thế giới

14:21 - 01/07/2021

Có đến 4 đảng của Ấn Độ, đứng đầu là đảng Nhân dân Ấn Độ.

Vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có gần 100 triệu thành viên. Tuy có quy mô khổng lồ như vậy, đảng này vẫn không phải là chính đảng lớn nhất thế giới.

Cùng xem danh sách 12 chính đảng có nhiều thành viên nhất trên toàn cầu. Cần lưu ý rằng số thành viên của các đáng là theo thông tin tự công bố, và thường không có các nghiên cứu độc lập xác nhận.

1. Đảng Nhân dân Ấn Độ (180 triệu thành viên)

Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) là chính đảng lớn nhất thế giới, với 180 triệu thành viên vào năm 2019. Đây là một trong 2 chính đảng lớn ở Ấn Độ, cùng với Đảng Quốc Đại, và đã là đảng cầm quyền ở Ấn Độ kể từ năm 2014.

Đảng thành lập vào năm 1980 này là đảng cánh hữu và trong quá khứ từng theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo, nhưng hiện tập trung vào chính sách tự do hóa nền kinh tế.

Lãnh đạo đảng là đương kim thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hiện, đảng này đang nắm 301/543 ghế ở Hạ viện và 95/245 ghế ở Thượng viện Ấn Độ.

2. Đảng Cộng sản Trung Quốc (95 triệu thành viên)

Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) là đảng cầm quyền tuyệt đối ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, với 95,1 triệu thành viên tính đến năm 2021.

Đảng này được thành lập vào ngày 1/7/1921, chủ yếu là bởi Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Liên Xô và Quốc tế Cộng sản. Đảng phát triển nhanh chóng và giành quyền lực vào năm 1949 sau khi chiến thắng Chính phủ Quốc dân của Quốc dân Đảng trong cuộc nội chiến Trung Quốc.

Theo Điều lệ chính thức, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng Tập Cận Bình, …

3. Đảng Dân chủ (47 triệu thành viên)

Là một trong hai chính đảng lớn ở Mỹ cùng với đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ được thành lập năm 1828 bởi những người ủng hộ tổng thống thứ 7 của Mỹ Andrew Jackson. Đây là chính đảng lâu đời nhất thế giới còn hoạt động.

Trong lịch sử của mình, đảng Dân chủ đã có nhiều tư tưởng chính trị khác nhau. Nhưng hiện tại, quan điểm chủ đạo của đảng này là chủ nghĩa tự do hiện đại.

Hiện tại, đảng Dân chủ đang nắm quyền ở Nhà Trắng và chiếm đa số ở Hạ viện Mỹ, với 220/435 ghế. Ở Thượng viện, đảng này là đảng thiểu số, chiếm 48/100 ghế. Tính đến năm 2020, đảng có 47,1 triệu thành viên.

4. Đảng Cộng hòa (35 triệu thành viên)

Đảng Cộng hòa là đối thủ chính của Đảng Dân chủ trên chính trường Mỹ. Đảng này được thành lập vào năm 1854, và tính đến năm 2020 có 35,0 triệu thành viên.

Trong thời kỳ nội chiến Mỹ, đảng Cộng hòa, dưới sự lãnh đạo của Abraham Lincoln – tổng thống Mỹ đầu tiên của đảng, đứng đầu phong trào bãi nô. Hiện tại, ý thức hệ chính của đảng là chủ nghĩa bảo thủ.

Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số ở Thượng viện Mỹ, với 50/100 ghế. Ở Hạ viện, đảng này là đảng thiểu số với 211/435 ghế. Trong lịch sử, đã có 19 tổng thống Mỹ thuộc đảng này, nhiều hơn bất cứ chính đảng nào khác.

5. Đảng Quốc Đại (18 triệu thành viên)

Được thành lập năm 1885 trong thời kỳ thuộc địa với tư cách là một phong trào dân tộc của Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của Mahatma Gandhi, đảng Quốc Đại đã trở thành ngọn cờ đầu của phong trào độc lập ở nước này trong nửa đầu thế kỷ 20.

Sức ảnh hưởng của Mahatma Gandhi lớn đến nỗi 6 người thuộc gia tộc Nehru-Gandhi đã từng nắm quyền lãnh đạo đảng hiện có 18 triệu thành viên này.

Đối lập với đối thủ chính là đảng Nhân dân, đảng Quốc Đại theo xu hướng cánh tả, với khuynh hướng phát triển kinh tế ở khu vực công.

Trong những cuộc bầu cử gần đây, đảng Quốc Đại đang tỏ ra thất thế so với đảng Nhân dân. Hiện đảng này chỉ nắm 52/543 ghế ở Hạ viện, và 36/245 ghế ở Thượng viện Ấn Độ.

6. Liên đoàn Cấp tiến Toàn Ấn Độ Anna Dravidian (15 triệu thành viên)

Liên đoàn Cấp tiến Toàn Ấn Độ Anna Dravidian (AIADMK) là một đảng khu vực của Ấn Độ có ảnh hưởng ở bang Tamil Nadu và vùng lãnh thổ Puducherry.

Đảng này hiện là đảng đối lập chính trong Hội đồng Lập pháp Tamil Nadu và là một phần Liên minh Dân chủ Quốc gia do Đảng Nhân dân Ấn Độ đứng đầu.

Được thành lập năm 1972, AIADMK có ý thực hệ chủ đạo là chủ nghĩa xã hội dân chủ. Đảng này đã từng nắm đa số ở Hội đồng Lập pháp Tamil Nadu 7 lần, nhiều nhất trong lịch sử của bang này. Tuy nhiên, ở quốc hội Ấn Độ, đảng này chỉ nắm 7 ghế.

7. Đảng Công lý và Phát triển (11 triệu thành viên)

Đảng Công lý và Phát triển (AKP) là đảng theo chủ nghĩa dân túy bảo thủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, đây là chính đảng lớn nhất nước này với 11 triệu thành viên.

Từ năm 2003, AKP đã nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ hầu như liên tục. Người đứng đầu và cũng là người sáng lập đảng, Recep Tayyip Erdoğan, hiện đang là tổng thống của nước này. Đảng hiện đang nắm 288/600 ghế trong Hội nghị Đại quốc dân Thổ Nhĩ Kỳ – quốc hội nước này.

Cử tri của đảng chủ yếu là những người Hồi giáo chính thống có quan điểm bảo thủ, nhưng AKP phủ nhận mình là một đảng Hồi giáo.

8. Đảng AAP (10 triệu thành viên)

Đảng AAP là chính đảng của Ấn Độ được thành lập năm 2012 và tính đến năm 2014 có hơn 10 triệu thành viên.

AAP tự nhận là một đảng theo chủ nghĩa dân túy, đối lập với 2 đảng lớn ở Ấn Độ là Đảng Nhân dân và Đảng Quốc đại. Đảng này được phát triển từ phong trào “Ấn Độ chống tham nhũng” được khởi xướng từ năm 2011.

AAP đã nắm siêu đa số ở Hội đồng Lập pháp của Delhi từ cuộc bầu cử 2015 cho đến nay, và hiện đang giữ 62/70 ghế trong cơ quan này. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của đảng này vẫn chưa đạt đến mức toàn quốc, khi chỉ nắm 4 ghế trong quốc hội Ấn Độ.

9. Phong trào Công lý Pakistan (10 triệu thành viên)

Phong trào Công lý Pakistan (PTI) là đảng theo chủ nghĩa trung dung và dân túy, hiện đang là đảng cầm quyền ở quốc gia Nam Á.

Là một trong 3 đảng lớn ở Pakistan, PTI tuyên bố có 10 triệu thành viên vào năm 2013, cao hơn so với 2 đối thủ – Liên đoàn Người Hồi giáo và Đảng Nhân dân Pakistan.

Được thành lập năm 1996 bởi cựu vận động viên cricket Imran Khan, PTI không giành được ghế quốc hội nào trong cuộc bầu cử năm 1997, nhưng cuộc bầu cử năm 2018 đã đưa PTI trở thành đảng có nhiều nghị sĩ nhất tại Hạ viện Pakistan, với 156/342 ghế. Ông Khan cũng đã trở thành Thủ tướng Pakistan trong cùng năm.

10. Đảng Cách mạnh (8,4 triệu thành viên)

Đảng Cách mạng (CCM) là đảng cầm quyền tuyệt đối ở Tanzania và là đảng cầm quyền liên tục dài thứ hai ở châu Phi.

Đảng được thành lập năm 1977, sau sự hợp nhất của 2 đảng lần lượt nắm quyền tuyệt đối ở lãnh thổ đất liền của Tanzania và đảo Zanzibar. Ý thức hệ chính của đảng này là chủ nghĩa xã hội châu Phi.

CCM và các tiền thân của nó đã cai trị Tanzania liên tục từ khi độc lập. Kể từ khi thành lập hệ thống đa đảng, CCM đã thắng 6 cuộc tổng tuyển cử liên tiếp một cách áp đảo. Đảng này hiện đang nắm 287/393 ghế ở Quốc hội Tanzania.

11. Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (7,6 triệu thành viên)

Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV) là đảng được thành lập năm 2007 bởi sự hợp nhất các lực lượng ủng hộ cuộc cách mạng Bolivar do cựu tổng thống nước này Hugo Chávez đứng đầu.

PSUV là đảng lớn nhất ở Venezuela với 7,6 triệu thành viên, tính đến năm 2014, và đã nắm quyền ở quốc gia Nam Mỹ này từ năm 2010.

Giống như tên của mình, PSUV là đảng theo chủ nghĩa xã hội. Đảng này đã thắng 219/277 ghế tại Quốc hội Venezuela trong cuộc bầu cử năm 2020.

12. Đảng Nhân dân Campuchia (6 triệu thành viên)

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) có tiền thân là Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer, thành lập năm 1951.

Sau khi lật đổ Đảng Cộng sản Campuchia – còn gọi là Khmer đỏ – với sự hỗ trợ của Việt Nam, CPP đã trở thành đảng cầm quyền ở Campuchia vào năm 1979, và giữ vị trí này cho đến nay. Hiện, đảng này có 100% ghế trong Hạ viện và 58/62 ghế trong Thượng viện nước này, với 6 triệu thành viên.

Ban đầu, CPP theo chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhưng đảng này đã chuyển hướng sang ủng hộ nền kinh tế thị trường vào năm 1991.