VNReport»Top»7 quốc gia phát triển tăng lãi suất

7 quốc gia phát triển tăng lãi suất

16:28 - 11/05/2022

Nhiều ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển đã tăng lãi suất trong thời gian gần đây để đối phó với lạm phát.

Trong cuộc chạy đua nhằm kiềm chế lạm phát cao, các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Anh và Úc đều tăng lãi suất vào đầu tháng 5.

Một số ngân hàng, chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương Anh, lo lắng nền kinh tế đang tiến tới suy thoái. Nhưng điều đó không ngăn họ báo hiệu thêm nhiều đợt tăng lãi suất trong thời gian tới.

Sau đây là 7 ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển đã tăng lãi suất trong giai đoạn gần đây. Đáng chú ý, Nhật Bản và Khu vực đồng euro vẫn chưa có động thái tăng lãi suất nào.

  1. Mỹ

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất chính 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm). Mặc dù bác bỏ khả năng tăng 75 điểm cơ bản trong tương lai, đây vẫn là đợt tăng lãi suất nhanh nhất của Fed trong 22 năm.

Cơ quan này cho biết rằng sẽ có thêm những đợt tăng 0,5 điểm phần trăm nữa trong năm nay và chuẩn bị giảm bảng cân đối tài sản trị giá đến 9 tỷ USD vào tháng tới. Những động thái này kết thúc thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed trong đại dịch và nhằm giúp kiểm soát lạm phát tại Mỹ hiện ở mức cao nhất trong 40 năm qua.

  1. Anh

Cũng trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất 1 điểm phần trăm – mức cao nhất của cơ quan này kể từ năm 2009, để kiềm chế lạm phát được dự báo vượt 10% trong năm nay.

Cơ quan này cũng đưa ra phát biểu cứng rắn về sự cần thiết phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ trong những tháng tới, đến mức 2 trong số 9 quan chức thiết lập lãi suất của họ nói rằng phát biểu đó quá mạnh mẽ trước nguy cơ Anh rơi vào suy thoái.

Các thị trường kỳ vọng lãi suất chính của Anh sẽ đạt 2-2,25% vào cuối năm 2022.

  1. Canada

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất từ tháng 3. Tháng trước, họ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản lên 1%, động thái lớn nhất trong hơn 2 thập kỷ.

Họ cũng cho phép các trái phiếu trên bảng cân đối tài sản của mình đáo hạn mà không thay thế để thu hẹp quy mô tài sản đang nắm giữ. Thống đốc BoC Tiff Macklem cho rằng lãi suất vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trung lập, ước tính từ 2-3%. Thị trường kỳ vọng lãi suất đạt 3% vào cuối năm nay và sẽ tăng thêm nửa điểm phần trăm nữa vào ngày 1/6.

  1. Úc

Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 0,35% vào thứ Ba tuần trước và đưa ra dấu hiệu rằng sẽ có những đợt tăng nữa trong tương lai. Sau nhiều tháng khẳng định còn lâu điều này mới xảy ra, Úc cuối cùng cũng đã gia nhập nhóm các nền kinh tế tăng lãi suất.

Chính sách thay đổi sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng quý I tăng lên mức đỉnh 20 năm là 5,1%. Lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đạt 3,7% – cao hơn mục tiêu của RBA lần đầu tiên kể từ năm 2010.

Định giá của thị trường cho thầy kỳ vọng lãi suất đạt 2,5% vào cuối năm 2022 và 3,5% vào giữa năm 2023. Nếu điều đó trở thành sự thật, đây sẽ là chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh nhất trong lịch sử hiện đại của Úc.

  1. Na Uy

Ngân hàng trung ương Na Uy – Norges Bank – giữ nguyên lãi suất vào tuần trước sau khi tăng thêm 1/4 điểm phần trăm lên 0,75% vào tháng 3, khi họ công bố kế hoạch thắt chặt chính sách nhanh hơn so với dự kiến trước đó.

Họ có kế hoạch tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 6 và đưa lãi suất lên 2,50% vào cuối năm 2023, bổ sung thêm 3 đợt tăng lãi suất nữa so với kế hoạch trước.

  1. New Zealand

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBZN) là một trong những ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh tay nhất thế giới.

Họ tăng lãi suất chính vào tháng trước thêm 50 điểm cơ bản lên 1,5%, mức tăng nhanh nhất trong 2 thập kỷ và là lần tăng thứ 4 trong chu kỳ này. Với lạm phát ở mức cao nhất 30 năm qua, các thị trường kỳ vọng lãi suất ở New Zealand sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản trong tháng này. RBNZ dự báo lãi suất đạt đỉnh khoảng 3,35% vào cuối năm 2023.

  1. Thụy Điển

Đến muộn trong cuộc chiến chống lạm phát, ngân hàng Riksbank của Thụy Điển tuần trước cũng tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 0,25% để kiềm chế lạm phát – hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 1991 là trên 6%.

Lãi suất chính sách của Riksbank hiện dương lần đầu tiên kể từ năm 2014. Gần đây nhất, vào tháng Hai, họ từng cho biết lãi suất dự kiến không tăng cho đến năm 2024. Nhưng hiện tại, họ dự kiến sẽ tăng thêm lãi suất 2 hoặc 3 lần nữa trong năm nay, với thêm nhiều đợt hơn nữa trong năm sau để đưa lãi suất lên trên 1%.