VNReport»Kinh tế»Tài chính»BIDV lần đầu tăng lãi suất huy động trong gần ba năm

BIDV lần đầu tăng lãi suất huy động trong gần ba năm

11:30 - 03/06/2022

BIDV trở thành ngân hàng quốc doanh lớn đầu tiên tăng lãi suất huy động trong năm nay.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây cập nhật biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/6, lần đầu tiên thay đổi lãi suất huy động từ tháng 9 năm ngoái.

Trong lần cập nhật mới này, BIDV giữ nguyên lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng, với các mức: 0,1%/năm cho tiền gửi không kỳ hạn, 3,1%/năm kỳ hạn 1-2 tháng, 3,4%/năm kỳ hạn 3-5 tháng và 4%/năm với kỳ hạn 6-9 tháng. Tuy nhiên, BIDV tăng lãi suất 0,1 điểm phần trăm cho tất cả các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, hiện cố định ở mức 5,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tối đa mà khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại BIDV nhận được nếu thực hiện giao dịch tại quầy.

Mặc dù mức lãi suất này của BIDV vẫn thuộc hàng thấp nhất thị trường nhưng động thái này đánh dấu lần đầu tiên ngân hàng quốc doanh này tăng lãi suất trong gần 3 năm qua. Lần gần đây nhất mà BIDV điều chỉnh lãi suất huy động là từ tháng 7/2019, khi ngân hàng này tăng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng từ 6,9%/năm lên 7%/năm. Kể từ đó, biểu lãi suất tại BIDV liên tục giảm, lần lượt xuống mức 6,8%/năm vào tháng 1/2020, 6,5%/năm vào tháng 6 cùng năm, sau đó giảm xuống 6%/năm và 5,8%/năm vào các tháng tiếp theo. Đến tháng 9/2021, ngân hàng này giảm lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng từ 5,6%/năm xuống 5,5%/năm và duy trì trong 9 tháng qua.

Đáng chú ý, BIDV là ngân hàng đầu tiên trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh lớn (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) tăng lãi suất huy động trong năm nay. Đây là bằng chứng mới nhất cho xu hướng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại kể từ cuối năm 2021 đến nay. Tại một số ngân hàng, lãi suất huy động đã tăng 1-1,5 điểm phần trăm trong nửa năm qua.

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động từ cuối năm 2021 đến nay nhằm thu hút tiền gửi của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, cạnh tranh với các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền mã hóa … Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng cao khi nền kinh tế phục hồi mạnh sau đại dịch, các ngân hàng cũng cần một lượng vốn lớn để phục vụ nhu cầu vay vốn tăng cao của người dân và doanh nghiệp.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,75% so với đầu năm và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và cao nhất trong một thập kỷ gần đây. Báo cáo tài chính quý I/2022 của BIDV cũng cho thấy tăng trưởng cho vay (bao gồm cả đầu tư trái phiếu) 3 tháng đầu năm đạt khoảng 5%, gấp 5 lần mức tăng 0,91% cùng kỳ năm ngoái.