VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Hàng hóa Trung Quốc hưởng lợi khi các hãng rời thị trường Nga

Hàng hóa Trung Quốc hưởng lợi khi các hãng rời thị trường Nga

14:13 - 31/08/2022

Hàng hóa Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống do các lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc di cư của giới doanh nghiệp để lại tại thị trường Nga.

Theo dữ liệu do Trường Quản lý Yale tổng hợp, hơn 1.200 công ty đa quốc gia đã cắt đứt hoặc từ bỏ quan hệ kinh doanh với Nga sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc có số doanh nghiệp ở lại Nga nhiều nhất với hơn 40 doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường.

Các biện pháp trừng phạt và làn sóng tháo chạy của các thương hiệu sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra đang định hình lại thị trường tiêu dùng tại Nga. Theo Bloomberg, Nga đang tìm cách tự bảo vệ khỏi sự gián đoạn bằng cách chuyển sang nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia không tham gia vào các biện pháp trừng phạt do Mỹ và các nước đồng minh áp phương Tây áp đặt.

Cuộc xung đột ở Ukraine khiến Nga hướng sang châu Á nhiều hơn. Đáng chú ý, có những thay đổi từng mất nhiều năm mới diễn ra thì nay chỉ mất vài tháng. Theo dữ liệu của Avtostat, trong quý 2 năm nay, 81% ô tô nhập khẩu mới tại Nga đến từ các thương hiệu Trung Quốc, tăng vọt so với mức chỉ 28% của quý đầu năm.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng vọt

Trên thực tế, người dân Nga không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài ô tô Trung Quốc. Trong tháng 7, doanh số ô tô của các hãng xe Trung Quốc Great Wall Motor và Geely Automobile ở Nga duy trì ổn định dù thị trường này suy giảm khoảng 75% so với một năm trước. Theo đó, hai thương hiệu này lọt vào tốp bán chạy nhất tại Nga.

Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) cũng cho biết tâm lý kinh doanh trong lĩnh vực thương mại ô tô đã chuyển sang mức tích cực lần đầu tiên kể từ sau khi chiến tranh nổ ra hồi tháng 2, nhờ thị trường chuyển từ nhập khẩu ô tô châu Âu sang nhập xe châu Á.

Không chỉ có ô tô, thị trường smartphone ở Nga cũng thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc sau khi Apple (Mỹ) và Samsung Electronics (Hàn Quốc) dừng xuất khẩu sản phẩm. Mặc dù sản phẩm của hai hãng này vẫn có thể được nhập khẩu qua các kênh phi chính thức nhưng có giá đắt hơn và không được bảo hành chính hãng. Điều này đang tạo cơ hội lớn cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Và Xiaomi đã vượt Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone bán chạy nhất ở Nga trong quý 2. Trung Quốc cũng chiếm 3 trong top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu ở Nga,.

Theo tờ báo Izvestia, nhu cầu TV Trung Quốc ở Nga cũng tăng gần gấp đôi sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, khi các nhà sản xuất Hàn Quốc và Nhật Bản ngừng xuất khẩu.

Trong bối cảnh doanh số bán lẻ ở Nga giảm mạnh nhất kể từ sau đại dịch Covid-19 với mức giảm gần 10% mỗi tháng so với cùng kỳ năm trước trong quý 2, Nga hiện cần nguồn cung hàng hóa hơn bao giờ hết khi mà người tiêu dùng tại nước này đối mặt với một tương lai không có nhiều lựa chọn. Trong tháng 7, Nga nhập khẩu 6,7 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhà phân tích Boris Kopeikin của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Moscow, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đang tìm cách nhập khẩu vào Nga mà không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Tốc độ này đang tăng lên và dự báo tới cuối năm nay, thị trường Nga sẽ có thêm nhiều lựa chọn hàng hóa Trung Quốc hơn nữa.

Ở chiều ngược lại, ngoài lĩnh vực năng lượng, Nga cũng đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc đặc biệt là tập trung vào hàng nông sản. Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động thu mua hàng hóa từ Nga như thịt, hải sản và đậu nành… nhưng dầu thô và khí đốt tự nhiên vẫn chiếm hơn 2/3 mức tăng trưởng tính theo giá trị từ tháng 1- tháng 7/2022.

Nga hy vọng Trung Quốc có thể mua nhiều hàng hóa của Nga hơn. Để nỗ lực thực hiện mục tiêu đó, Nga đang tăng diện tích trồng đậu tương của mình, thậm chí là thay đổi hạt giống để phù hợp với nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Thương mại song phương của Trung Quốc với Nga cũng đang tăng nhanh hơn so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác trong 7 tháng đầu năm 2022, trái ngược hẳn với sự sụt giảm kim ngạch với Nhật Bản, Úc và Anh. Dự báo, thương mại song phương giữa hai nước có thể tăng hơn 30% lên 190 tỷ USD trong năm nay.