VNReport»Kinh tế»Tài chính»Sau Fed, các ngân hàng trung ương thế giới chạy đua tăng lãi suất

Sau Fed, các ngân hàng trung ương thế giới chạy đua tăng lãi suất

09:53 - 23/09/2022

Các ngân hàng trung ương từ Anh đến Na Uy tăng lãi suất chính sách sau khi Fed quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp, nhằm chống lại tác động của đồng USD tăng vọt và kiềm chế lạm phát.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới hành động vào thứ Năm để chống lại tác động của đồng USD tăng vọt và lạm phát gia tăng, tham gia cùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong chiến dịch kiềm chế giá cả leo thang và chấp nhận rủi ro suy thoái.

Trong một loạt các cuộc họp ngân hàng trung ương từ Na Uy đến Nam Phi, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất với mức độ lớn hơn dự kiến ​​trong một ngày mà các nhà phân tích tại ING gọi là “Siêu thứ Năm”.

Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất cơ bản lần thứ 7 liên tiếp. Trước khi tin tức được đưa ra, đồng bảng Anh chạm mức thấp nhất trong 37 năm so với đồng USD trước khi hồi phục một phần về 1,13 USD.

Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp trong năm nay.

Ngay cả một số nước không tăng lãi suất – như Nhật Bản – cũng thực hiện hành động khác để giảm bớt áp lực lạm phát đang gia tăng.

Hôm thứ Năm, Nhật Bản cho biết đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để bán USD và mua yên – sự can thiệp đầu tiên như vậy trong 24 năm – nhằm làm chậm lại sự giảm giá gần đây của đồng tiền Nhật Bản. Đồng yên giảm xuống 145,87 so với đồng USD, mức thấp nhất kể từ năm 1998, trước khi có sự can thiệp. Sau đó, nó tăng lên mức 141 yên, mặc dù vẫn còn xa mốc 115 yên từng ghi nhận đầu năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki sau đó cho biết chính phủ sẽ hành động một lần nữa nếu cần, mà không cho biết quy mô của lần can thiệp này. “Mặc dù tỷ giá hối đoái về nguyên tắc nên được xác định trên thị trường, nhưng chúng tôi không thể đứng yên khi các động thái đầu cơ và thái quá liên tục xảy ra”, ông nói.

Những cuộc họp của các ngân hàng trung ương – hầu hết được lên lịch trước – diễn ra sau khi Fed công bố mức tăng 0,75 điểm một ngày trước đó và kết thúc một tuần bận rộn trong nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu. Nhiều quan chức ngân hàng trung ương đang vật lộn với cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng sau khi ban đầu cho rằng lạm phát tăng chỉ là tạm thời, nhưng bây giờ đang chạy đua để tăng lãi suất nhằm bắt kịp với giá cả.

Ngân hàng trung ương của Thụy Sĩ tham gia vào cuộc đua đó bằng cách thông báo việc tăng lãi suất cho vay chuẩn của nước này lên trên 0% lần đầu tiên kể từ năm 2014, chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng ở châu Âu. Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển nâng lãi suất 1 điểm phần trăm vào đầu tuần này, mức tăng lớn nhất trong gần 3 thập kỷ.

Ngoại lệ là Thổ Nhĩ Kỳ – nước tỏ ra không quan tâm đến mối đe dọa lạm phát. Ngân hàng trung ương của họ giảm lãi suất cơ bản xuống 12% từ 13%, mặc dù lạm phát đã vượt qua 80% vào tháng 8 và khiến giá trị đồng tiền của đất nước trượt dài. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã gây áp lực buộc ngân hàng phải giữ lãi suất ở mức thấp. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó giảm xuống mức thấp kỷ lục mới.

Trong số 9 thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ Ngân hàng Trung ương Anh, 5 người ủng hộ mức tăng nửa điểm lên 2,25%, trong khi 3 người bỏ phiếu cho mức tăng 3/4 điểm và một người khác ủng hộ mức tăng 1/4 điểm. Quan điểm chia rẽ thể hiện những lo ngại khác nhau và những tín hiệu kinh tế mâu thuẫn mà các quan chức ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang phải đối mặt, nhưng đặc biệt rõ ràng ở Anh khi nước này đang vật lộn với lạm phát tồi tệ nhất trong khoảng 4 thập kỷ.

Các quan chức ngân hàng trung ương đặc biệt lo lắng về việc lãi suất cao hơn có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.

Dữ liệu kinh tế mới nhất chỉ ra những dấu hiệu so bộ ​​cho thấy lạm phát ở Anh đang chậm lại, nhưng cũng cho thấy dữ liệu GDP thấp hơn dự kiện. Cũng như ở Mỹ, thị trường lao động ở Anh thắt chặt và tỷ lệ thất nghiệp thấp là một nguồn sức mạnh, bất chấp sự suy yếu về kinh tế trên diện rộng hơn.

Khi đi đến quyết định hôm thứ Năm, các quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh không lựa chọn tăng lãi suất lớn hơn, điều mà một số chuyên gia kỳ vọng. Họ tiếp tục thể hiện sự thận trọng trong cuộc chiến chống lạm phát so với các ngân hàng trung ương khác, chạy theo chiến lược của Fed nâng lãi suất mỗi lần từ 0,75 điểm phần trăm trở lên.

Tại cuộc họp gần đây nhất, ngân hàng này đã cảnh báo rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh trên 13%. Hôm thứ Năm, họ cho biết mức trần giá năng lượng được công bố gần đây có thể giúp lạm phát đạt đỉnh dưới 11% vào tháng 10 nhưng có thể duy trì ở mức 2 con số trong nhiều tháng trước khi giảm. Sự hỗ trợ của chính phủ có thể khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn về sau, làm tăng lạm phát trong trung hạn.