VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lãi suất cao ít tác động đến lợi nhuận ngân hàng Việt Nam

Lãi suất cao ít tác động đến lợi nhuận ngân hàng Việt Nam

17:17 - 27/09/2022

Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, vì nhu cầu tín dụng vượt nguồn cung, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam có khả năng chuyển hầu hết mức tăng chi phí vốn sang những người đi vay.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng trần lãi suất huy động ngắn hạn có khả năng làm tăng chi phí vốn trung bình đối với các ngân hàng thương mại, cả lãi suất tiền gửi và lãi suất liên ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng có thể chuyển hầu hết chi phí tăng lên cho người đi vay, hạn chế tác động đến tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM), theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings.

Quyết định của NHNN tăng các lãi suất chính sách chủ chốt thêm 1 điểm phần trăm vào tuần trước vượt dự báo của Fitch rằng tổng mức tăng đến cuối năm 2022 chỉ là 0,5 điểm. Đông thái đó được thực hiện sau khi lãi suất của Mỹ tăng mạnh và triển vọng nhu cầu toàn cầu suy yếu, thúc đẩy rủi ro dòng vốn chảy ra nước ngoài và góp phần gây áp lực giảm giá lên tiền đồng.

NHNN được cho là có thể tiếp tục tăng lãi suất chính sách trong thời gian tới.

NHNN được cho là có thể tiếp tục tăng lãi suất chính sách trong thời gian tới.

Hiện tại, Fitch cho rằng nhiều khả năng lãi suất chính sách tiếp tục tăng trong thời gian tới, một phần để giảm rủi ro tỷ giá có thể gây nhập khẩu lạm phát. Áp lực tăng lãi suất huy động có thể xảy ra khi lãi suất USD liên ngân hàng đẩy lãi suất tiền đồng liên ngân hàng tăng theo.

Tuy nhiên, Fitch dự đoán rằng việc điều chỉnh lãi suất chính sách ít có tác động đến các ngân hàng Việt Nam, vì những lãi suất này áp dụng cho những công cụ không phải là nguồn cung cấp vốn quan trọng cho hầu hết các ngân hàng lớn. Việc tăng trần lãi suất huy động sẽ có tác động nhiều hơn vì mức trần đã hạn chế lãi suất huy động tại một số ngân hàng trong những tháng gần đây.

Điều này sẽ làm tăng chi phí vốn ở mức độ khiêm tốn, nhưng Fitch tin rằng các ngân hàng lớn của Việt Nam có đủ khả năng để hấp thụ chi phí cao hơn. Nhu cầu vay đang mạnh và tín dụng tăng 17,2% so với cùng kỳ vào ngày 16/9, dù bị giới hạn bởi trần tăng trưởng tín dụng do NHNN đặt ra – là 14% trong năm 2022.

Fitch cho rằng nhu cầu tín dụng nhiều khả năng vượt nguồn cung bị giới hạn trong thời gian còn lại của năm và các điều kiện tín dụng khó có thể nới lỏng nhiều. NHNN cảnh giác với việc thả lỏng tín dụng vì áp lực lạm phát dai dẳng trong bối cảnh tăng trưởng mạnh trong nước và tiền đồng tiếp tục giảm giá.

Fitch vẫn kỳ vọng các ngân hàng có thể tăng lãi suất cho vay, ngay cả khi lãi suất đối với một số lĩnh vực ưu tiên bị kìm hãm bởi hướng dẫn không chính thức từ cơ quan quản lý và áp lực xã hội. Ví dụ, các ngân hàng đã chuyển danh mục cho vay sang những phân khúc có lợi hơn như bán lẻ và cũng có thể bán thêm những sản phẩm tạo phí khác đi kèm với các khoản vay mà nhiều khách hàng thèm muốn.

Fitch vẫn đánh giá triển vọng tổng thể về NIM và lợi nhuận là khả quan, mặc dù sự gia tăng chi phí vốn làm giảm khả năng NIM có thể đạt cao hơn dự báo. Điều này là do ngân hàng có khả năng chuyển mức tăng lãi suất sang khách hàng đi vay. Ngoài ra, xếp hạng tín dụng cũng không đổi vì đánh giá này đối với hầu hết các ngân hàng Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào xếp hạng tín dụng quốc gia.

Tuy nhiên, các ngân hàng Việt Nam có thể bị tổn thương nếu lãi suất tăng quá mạnh. Các doanh nghiệp dùng đòn bẩy cao và hiếm khi phòng ngừa rủi ro lãi suất. Vì vậy, lãi suất đi vay tăng đột biến ảnh hưởng đến chất lượng tài sản. Vùng đệm vốn của ngân hàng nói chung mỏng, đặc biệt là tại những ngân hàng quốc doanh, phản ánh tốc độ tăng trưởng cho vay cao. Điều này làm giảm khả năng của họ trong việc hấp thụ chi phí tín dụng tăng đột biến.