VNReport»Kinh tế»G7 đề nghị gói tài trợ 15 tỷ USD để Việt Nam giảm dùng than

G7 đề nghị gói tài trợ 15 tỷ USD để Việt Nam giảm dùng than

09:39 - 08/12/2022

Theo các nguồn tin của Reuters, đây là đề nghị cuối cùng của phía G7, để Việt Nam xem xét chấp nhận trong hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN vào tuần tới.

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra một đề nghị mới trị giá 15 tỷ USD cho Việt Nam xem xét chấp nhận trong hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới, nhằm tài trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi khỏi sử dụng than, 3 nguồn tin nói với Reuters.

Việt Nam – nằm trong số 20 nước sử dụng than nhiều nhất thế giới – ban đầu dự kiến ký một “Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng” với các nước G7 tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP27 hồi tháng 11. Nhưng các cuộc đàm phán cấp cao kết thúc không thành công trước hội nghị.

Đề nghị tài trợ của G7 nhằm thúc đẩy Việt Nam giảm sử dụng than, tăng tốc quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Đề nghị tài trợ của G7 nhằm thúc đẩy Việt Nam giảm sử dụng than, tăng tốc quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Để thuyết phục Việt Nam chấp nhận đề nghị, các nhà đàm phán phương Tây do Liên minh châu Âu (EU) và Anh dẫn đầu đã đề xuất một gói tài chính lớn hơn, bao gồm 7,5 tỷ USD hầu như chỉ bao gồm các khoản vay từ khu vực công và số tiền tương tự từ khu vực tư nhân, theo các nguồn tin.

Cả 3 quan chức phương Tây – từ chối nêu tên vì cuộc đàm phán được giữ bí mật – cho biết đây sẽ là đề nghị cuối cùng từ G7 trước hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia Đông Nam Á tại Brussels ngày 14/12.

Lời đề nghị dần được mở rộng từ cam kết ban đầu chỉ là 2 tỷ USD vốn công với số vốn tư nhân không xác định. Tuy nhiên, lý do chính khiến Việt Nam từ chối những đề nghị trước có vẻ vẫn chưa được giải quyết. Phía Việt Nam muốn số vốn tài trợ không hoàn lại lớn hơn và tỷ lệ vay nợ thấp hơn.

Một trong những nguồn tin cho biết cơ hội đạt được thỏa thuận vào tuần tới là “50/50”. Một người khác lưu ý rằng hai bên vẫn đang tiến hành đàm phán và con số cuối cùng có thể thay đổi một chút.

Kế hoạch của G7 tập trung vào năn lượng tái tạo, gây ra nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh năng lượng của Việt Nam nếu được chấp thuận. Nếu không có nguồn phát điện dự phòng tin cậy trong trường hợp sản lượng điện thấp từ nguồn gió hoặc mặt trời, Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện.

Ngay sau khi cuộc đàm phán tạm dừng vào tháng 11, Bộ Công Thương công bố một dự thảo quy hoạch điện mới – tăng mức sử dụng than so với bản dự thảo trước đó. Theo các nguồn tin, phía Việt Nam cũng đã hủy một cuộc họp dự kiến diễn ra ở Hà Nội với các đặc phái viên khí hậu hàng đầu của Mỹ và EU.