VNReport»Kinh tế»Xuất khẩu tháng 5 tiếp tục giảm

Xuất khẩu tháng 5 tiếp tục giảm

11:34 - 29/05/2023

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 cả nước giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh nhu cầu ở các thị trường lớn suy yếu.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 cả nước tiếp tục giảm, tháng giảm thứ tư trong năm nay, gây thêm áp lực lên tăng trưởng kinh tế vốn đã chậm lại trong quý đầu năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD trong tháng, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này thấp hơn mức giảm 17,1% trong tháng 4, và kim ngạch xuất khẩu tháng 5 cũng tăng 4,3% so với tháng trước.

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu ước đạt 26,81 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm xuất khẩu thấp hơn so với mức giảm 10,3% theo dự báo của các nhà phân tích do Bloomberg khảo sát, nhưng giá trị nhập khẩu kém hơn dự báo.

Tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu 5 tháng giảm 17,9% xuống còn 126,37 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm nghiêng về xuất siêu với giá trị 9,8 tỷ USD, so với mức xuất siêu 0,24 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Điện thoại và linh kiện – mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất – giảm 16% trong 5 tháng đầu năm xuống còn 21,17 tỷ USD. Mặt hàng lớn thứ 2 là điện tử, máy tính và linh kiện cũng giảm 9,8%. Dệt may và giày dép giảm lần lượt 17,8% và 13,3%.

Xuất nhập khẩu giảm mạnh từ đầu năm trong bối cảnh nhu cầu ở các thị trường lớn phương Tây suy yếu và lợi ích từ việc Trung Quốc tái mở cửa kém hơn kỳ vọng. Sự suy giảm của thương mại toàn cầu cũng đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác trong khu vực phụ thuộc vào xuất khẩu như Singapore và Đài Loan.

Xuất, nhập khẩu hàng hoá 5 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Tổng cục thống kê

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tháng 5 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, chỉ số này giảm 2% so với cùng kỳ.

Việc xuất khẩu và sản xuất đều sụt giảm đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế. Trong quý I, GDP của Việt Nam tăng trưởng chỉ 3,32%, sau khi tăng hơn 8% trong năm 2022.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay của nước ta là 6,5%. Tuần trước, phát biểu tại một phiên họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết việc đạt được mục tiêu này “rất khó khăn”.

Để kích thích tăng trưởng kinh tế, ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành lần thứ ba kể từ giữa tháng 3. Cơ quan này cho biết lãi suất có dư địa giảm một phần nhờ lạm phát được kiểm soát.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng tháng 5 đạt 2,43% – mức thấp nhất trong 14 tháng và là tháng giảm thứ tư liên tiếp. Lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm là 3,55%.

Ngày 28/5, trong một cuộc tọa đàm trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực từ bên ngoài trong thời gian tới. Ông Phương nói rằng lĩnh vực sản xuất, chế biến và chế tạo trong quý đầu tiên giảm mạnh khi các đối tác thương mại như Mỹ, EU và Nhật Bản ghi nhận nền kinh tế chậm lại và nhu cầu giảm.

NHNN cho biết sẽ tiếp tục gây áp lực lên các ngân hàng thương mại để giảm lãi suất cho vay nhằm kích thích nền kinh tế.