VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc dự kiến tung hàng loạt biện pháp để vực dậy kinh tế

Trung Quốc dự kiến tung hàng loạt biện pháp để vực dậy kinh tế

10:32 - 16/06/2023

Bắc Kinh xem xét chi mới hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và bỏ quy định hạn chế mua nhà thứ hai ở một số thành phố, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang hồi phục chậm.

Bắc Kinh lên kế hoạch tung ra nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế đang hồi phục chậm, bao gồm khả năng chi mới hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng quy định để khuyến khích mua nhà, theo các nguồn tin của tờ Wall Street Journal.

Kế hoạch này được xem xét sau khi ngân hàng trung ương của Trung Quốc giảm một loạt các lãi suất trong tuần này. Gần đây nhất là đợt giảm vào ngày 15/6, sau khi dữ liệu mới cho thấy đà phục hồi kinh tế của đất nước đang chững lại.

Những động thái trên cho thấy các quan chức ngày càng lo lắng về triển vọng của nền kinh tế, khi động lực từ tái mở cửa lắng xuống.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm một loạt lãi suất chính sách trong tuần này.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm một loạt lãi suất chính sách trong tuần này.

Tăng trưởng chậm là một thách thức nữa đối với Bắc Kinh, vốn đang có quan hệ căng thẳng với Mỹ và đối mặt với nỗ lực của Washington và đồng minh nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chip máy tính tiên tiến. Các doanh nghiệp đa quốc gia đang xem xét lại vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của mình trước lo ngại về khả năng gián đoạn thương mại trong tương lai do xung đột với phương Tây.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế hoài nghi khả năng những biện pháp mới đủ để đảo ngược niềm tin đang suy yếu và xu hướng tăng trưởng chậm. Một số nhà kinh tế cho rằng những động thái này báo hiệu giới chức Trung Quốc vẫn ưa dùng cách thúc đẩy tăng trưởng cũ thông qua vốn vay để kích thích đầu tư, thay vì dùng cách khác để tăng thu nhập và tiêu dùng.

Sau khi công bố mức tăng trưởng khá tốt 4,5% trong quý I, Trung Quốc đang vật lộn với nhiều thách thức, bao gồm xuất khẩu giảm, suy thoái bất động sản tiếp diễn và tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên. Việc kích cầu có thể không giúp ích vì doanh nghiệp và người tiêu dùng không muốn gánh thêm nợ, theo cảnh báo của một số nhà kinh tế.

Katrina Ell – chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Moody’s Analytics – cho biết: “Thật khó để lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc vào lúc này”.

Là một phần trong nỗ lực kích thích kinh tế, Bắc Kinh đang xem xét phát hành khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt để giúp các chính quyền địa phương trả nợ và tăng niềm tin kinh doanh, theo các nguồn tin.

Trái phiếu đặc biệt sẽ được dùng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và những sáng kiến khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng cũng sẽ được gián tiếp sử dụng để giúp các chính quyền địa phương trả nợ.

Bắc Kinh cũng đang xem xét kế hoạch dỡ bỏ hạn chế mua nhà thứ hai ở các thành phố nhỏ của Trung Quốc, như một cách để thúc đẩy thị trường bất động sản. Hiện tại, người mua ở nhiều thành phố bị cấm mua nhiều hơn một bất động sản. Chính sách này nhằm ngăn chặn đầu cơ.

Một trong những nguồn tin nói rằng kế hoạch có thể được công bố sớm nhất trong vài ngày tới.

Chi tiêu tiêu dùng của người Trung Quốc đang chững lại.

Chi tiêu tiêu dùng của người Trung Quốc đang chững lại.

Ngày 15/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất quan trọng trên một kênh mà ngân hàng trung ương cho vay các ngân hàng thương mại. Đầu tuần này, PBOC cũng hạ 2 lãi suất ngắn hạn và các ngân hàng thương mại lớn đã hạ lãi suất tiền gửi vào tuần trước.

Một loạt dữ liệu kinh tế công bố ngày 15/6 cho thấy đà tăng trưởng tiếp tục yếu đi trong tháng 5. Chi tiêu tiêu dùng hầu như không tăng so với tháng 4, trong khi sản xuất và đầu tư đều mất đà. Tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ tăng lên mức cao mới 20,8%.

Việc Trung Quốc phục hồi chậm làm tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chịu áp lực từ lạm phát dai dẳng, lãi suất cao và chiến tranh ở Ukraine. Phần lớn châu Âu rơi vào suy thoái trong quý I. Các nền kinh tế nặng về xuất khẩu như Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam báo cáo thương mại giảm sút. Kinh tế Mỹ chống chịu tốt hơn kỳ vọng, nhưng nhiều chuyên gia vẫn dự báo suy thoái sắp đến khi Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục chiến dịch tăng lãi suất để giảm lạm phát.

Một số tổ chức bao gồm các ngân hàng Nomura và Barclays gần đây hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Trung Quốc. Họ vẫn kỳ vọng Bắc Kinh đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của chính phủ, do mức nền thấp trong năm 2022, nhưng đã từ bỏ hy vọng phục hồi nhanh.

Dan Wang – nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc – cho biết: “Nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ đình trệ ngày càng tăng”.