VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Châu Á – Thái Bình Dương tụt lại trong cuộc đua tiêm vaccine Covid-19

Châu Á – Thái Bình Dương tụt lại trong cuộc đua tiêm vaccine Covid-19

16:37 - 05/06/2021

Thiếu nguồn cung là một nguyên nhân khiến tốc độ tiêm chủng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chậm.

CNBC phân tích số liệu thống kê từ Our World in Data tính đến ngày 1/6 cho thấy các nước châu Á – Thái Bình Dương đã tiêm tổng cộng 23,8 liều vaccine Covid-19 trên mỗi 100 người dân. Tỷ lệ này ở Bắc Mỹ là 61,4 liều/100 dân và và châu Âu là 48,5 liều/100 dân. Châu Phi là khu vực tiêm chủng chậm nhất, chỉ 2,5 liều/100 dân.

Trong châu Á – Thái Bình Dương, Mông Cổ và Singapore đang dẫn đầu với tỷ lệ 97 liều/100 dân và 69 liều/100 dân. Ngược lại, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Philippines và Việt Nam nằm trong nhóm “chưa đảm bảo được số liều cần thiết cho miễn dịch cộng đồng”.

Tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 tại châu Á – Thái Bình Dương tính đến ngày 1/6. Đơn vị: liều/100 dân.

Fitch Solutions cho biết một số quốc gia châu Á phụ thuộc vào COVAX (Sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu) để tiếp cận vaccine Covid-19. Tuy nhiên, nguồn cung từ COVAX đang gặp rủi ro bởi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vaccine. Bởi Ấn Độ là nơi Viện Huyết thanh Ấn Độ – một nhà cung ứng lớn vaccine Covid-19 cho COVAX đặt trụ sở.

Nếu Ấn Độ không nối lại xuất khẩu sớm, nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình phụ thuộc vào COVAX sẽ tiếp tục bị trì hoãn chương trình tiêm chủng.

Dựa theo tiến độ tiêm chủng hiện tại, dự báo chỉ Singapore và Trung Quốc đại lục tiêm chủng được 70% dân số trong năm nay – lộ trình tương tự như ở Mỹ và Anh. Đây cũng là ngưỡng mà một số chuyên gia y tế cho là cần thiết để đạt “miễn dịch cộng đồng” khi virus không thể lây lan nhanh bởi hầu hết người dân có miễn dịch nhờ vaccine hoặc sau khi nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, các nền kinh tế châu Á khác vẫn gặp trở ngại trong tiếp cận nguồn cung vaccine có thể không đạt ngưỡng trên trước năm 2025.

Thực tế, Ấn Độ, Nepal, Malaysia, Nhật Bản và Đài Loan đang liên tục lập kỷ lục về số ca nhiễm mới hàng ngày trong tháng 5, khiến nhà chức trách phải áp hạn chế mới để kiểm soát tình hình.

Trong khi đó, các nước ở phương Tây đã bắt đầu mở cửa kinh tế dựa trên việc tiêm chủng nhanh hơn nhiều – đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Điều này có thể tạo ra khác biệt lớn khiến châu Á kém thu hút đầu tư hơn và trở nên mong manh hơn trên con đường phục hồi.